Nông nghiệp Vĩnh Phúc thích ứng giai đoạn phát triển mới
Trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu và tiêu dùng xanh, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hữu cơ, xanh, tuần hoàn... Qua đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính, cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cao cho người tiêu dùng.
Xác định nông nghiệp là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế, tỉnh đã thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.
Phát huy lợi thế vùng, địa phương, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đưa các giống lúa năng suất, chất lượng vào cơ cấu sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính; hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc trên cây trồng thay thế các loại thuốc hóa học nhằm giảm ô nhiễm môi trường; trồng xen canh với các cây họ đậu giúp cải tạo đất.
Năm 2024, Sở NN&PTNT đã xây dựng 6 mô hình sản xuất cây ăn quả hữu cơ; 4 mô hình sản xuất cây dược liệu hữu cơ; triển khai 5 mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ; hỗ trợ 420 ha sản xuất rau, quả ăn lá theo hướng hữu cơ; hướng dẫn 8 cơ sở sản xuất thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000:2018; phối hợp với các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.
Đến nay, toàn tỉnh có 28 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Đặc biệt, mới đây, hơn 2 tấn bưởi trên địa bàn huyện Vĩnh Tường được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Để phát triển sản phẩm địa phương đạt chất lượng cao, những năm qua, thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngành Nông nghiệp tập trung phát triển sản phẩm theo mô hình kết hợp giữa tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú, chất lượng, có truy xuất nguồn gốc.
Hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 156 sản phẩm được công nhận đạt chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó có 126 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao cấp tỉnh, 30 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ được mở rộng với việc phát triển đa dạng các kênh tiêu thụ, gia tăng thương mại điện tử và triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sản xuất thành thức ăn chăn nuôi; xử lý chất thải thành khí sinh học, nuôi trùn quế, áp dụng công nghệ vi sinh, đệm sinh học, chế biến phân vi sinh, phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường; triển khai các mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như là một nguồn lợi nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 300 trang trại chăn nuôi lợn, gà ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; 95 cơ sở chăn nuôi bò, lợn, gà áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Bà Nguyễn Thị Lan, Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, Tập đoàn Quế Lâm cho biết: Năm 2024, Tập đoàn đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn thịt hữu cơ đảm bảo an toàn sinh học theo kinh tế tuần hoàn tại 10 hộ trên địa bàn các xã, thị trấn: Bồ Lý, Minh Quang (Tam Đảo), Tam Hồng (Yên Lạc), Đạo Đức (Bình Xuyên) với quy mô 800 con.
Thông qua mô hình, tiết kiệm được 1.387 lít nước/con, chất thải được xử lý bằng chế phẩm sinh học tạo nguồn phân hữu cơ để bón cho cây trồng, tạo vòng tuần hoàn trong sản xuất.
Nhờ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, năm 2024, tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt mức tăng từ 1,5 - 1,6%; tổng giá trị sản xuất đạt gần 11.800 tỷ đồng, tăng 1,58% so với năm 2023.
Gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất tập trung, khai thác các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi cho người dân, hợp tác xã áp dụng cơ giới hóa, đưa giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng an toàn.
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sạch và chuyển đổi số trong sản xuất, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao...