Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp - Bài 1: Tín hiệu từ mô hình thí điểm
Cùng với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, các địa phương ở phía Bắc sông Hậu cũng đang triển khai thực hiện Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Cùng với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương ở phía Bắc sông Hậu cũng đang triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp). Tại các địa phương, một số diện tích lúa thí điểm thực hiện Đề án đã được thu hoạch, bước đầu, đạt những kết quả phấn khởi.
Tích cực triển khai thực hiện Đề án
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
), việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp nhằm hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Từ đó, giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Tại Long An, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên địa bàn. Tỉnh đang tập trung triển khai, xây dựng các mô hình thí điểm thực hiện Đề án. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ đánh giá hiệu quả để nhân rộng, phấn đấu đến năm 2030, Long An có vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp với diện tích 125.000 ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, việc triển khai thực hiện Đề án ban đầu sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, Long An đã có nhiều năm xây dựng vùng chuyên canh lúa ứng dụng công nghệ cao và thực hiện Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSat), đây là nền tảng quan trọng sẽ tạo nên thành công cho việc thực hiện Đề án.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, địa phương cũng tích cực triển khai thực hiện Đề án. Tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án… Trong thời gian chờ Trung ương triển khai các hoạt động hỗ trợ thực hiện, tỉnh đã chủ động từng bước thực hiện Đề án. Trên cơ sở nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, trong vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2024, Vĩnh Long đã triển khai một số mô hình, bước đầu thực hiện theo hướng của các tiêu chí Đề án với diện tích 1.045 ha.
Đồng Tháp là một trong 5 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đồng Tháp thực hiện mô hình mẫu của Quốc gia với diện tích gần 50 ha tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Láng Biển, huyện Tháp Mười), đảm bảo nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, tiêu chí của Đề án về hạ tầng, quy trình canh tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ, giảm phát thải.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho hay, diện tích thực hiện thí điểm Đề án bắt đầu từ vụ Thu Đông năm 2024 và kéo dài trong 3 vụ liên tiếp. Nông dân tham gia mô hình phải ghi chép nhật ký sản xuất, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, tuân thủ quy trình hướng dẫn và đặc biệt là không đốt rơm rạ trên đồng ruộng; được hỗ trợ 50% chi phí vật tư như lúa giống, phân bón, chế phẩm phân hủy rơm rạ… Bà con nông dân còn được hỗ trợ chi phí đánh giá phát thải khí nhà kính.
Tín hiệu phấn khởi bước đầu
Trong vụ Thu Đông năm 2024, Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Tân (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải, áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên và bón vùi phân bón với diện tích 15 ha. Nông dân thực hiện mô hình sử dụng lượng giống gieo sạ 80kg/ha và lượng phân bón 200kg/ha. Với phương pháp sản xuất này, nông dân vừa giảm lượng giống, vừa bảo đảm không bón phân trong 45 ngày đầu gieo sạ. Việc bón vùi phân còn góp phần giảm thất thoát và giảm hiệu ứng nhà kính.
Ông Ngân Văn Phi, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Tân đánh giá, các nông dân tham gia mô hình thí điểm của Đề án tuân thủ tốt quy trình canh tác theo hướng dẫn, ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất và không bón thêm phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật khi chưa thật sự cần thiết. Nhờ đó, năng suất lúa của mô hình cao hơn bên ngoài từ 100 - 120 kg/ha; chi phí sản xuất thấp hơn bên ngoài mô hình 1,7 - 2,54 triệu đồng/ha. Với giá bán lúa khoảng 8.500 đồng/kg, lợi nhuận mang lại từ 21 - 28 triệu đồng/ha, cao hơn bên ngoài mô hình từ 3 - 10 triệu đồng/ha.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, mục đích chính của Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp là tổ chức lại sản xuất và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn thực hiện thí điểm 5 mô hình của Đề án tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Đồng Tháp và Thành phố Cần Thơ. Bước đầu, các mô hình có kết quả rất tốt như: giảm chi phí sản xuất từ 20 - 30%; năng suất tăng từ 10 -15%; hệ số giảm phát thải khí nhà kính trung bình từ 5 - 6 tấn CO2/ha. Với những ưu điểm mang lại, nhiều nông dân xin vào hợp tác xã để tham gia sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp.