Nông nghiệp công nghệ cao cần tháo gỡ khó khăn để phát triển
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Thừa Thiên Huế, vẫn còn một số khó khăn về công nghệ, vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng và kết nối chuỗi giá trị nông sản...cần tập trung tháo gỡ.
Đó là nhận định được nêu ra tại hội thảo được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 10/12 nhằm đẩy mạnh hỗ trợ, thúc đẩy liên kết hợp tác trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Còn cầm chừng
Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp, điển hình như các dự án trồng rau sạch, sản xuất nấm, chăn nuôi gà, nuôi trồng thủy sản CNC... Tuy nhiên, so với các địa phương khác, việc phát triển nông nghiệp CNC tại Thừa Thiên Huế vẫn một số khó khăn về công nghệ, vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng và kết nối giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị nông sản, đặc biệt là vấn đề khí hậu, thời tiết và đất đai.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở KH&CN cũng nêu ra tại hội thảo một số hạn chế trong ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù một số nghiên cứu cho kết quả tốt và rất có ý nghĩa nhưng chưa kết nối được giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, chưa kêu gọi hay thu hút được doanh nghiệp tham gia nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Khó khăn về vốn, điều kiện đất đai manh mún, nhỏ lẻ vẫn còn là rào cản trong phát triển nông nghiệp CNC của địa phương.
Theo bà Hương, nếu không chuyển đổi nông nghiệp sang sản xuất quy mô lớn, có sự bảo hộ của Nhà nước đối với sản phẩm nông nghiệp thì rất khó để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp.
Ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tập trung cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp an toàn (hữu cơ, VietGAP...) và ưu tiên phát triển nhóm các sản phẩm chủ lực quốc gia như: lúa chất lượng cao, tôm, thịt lợn và gia cầm, nhóm các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Thủy sản vùng đầm phá, sen, thanh trà, dược liệu và các sản phẩm OCOP. Đồng thời cơ cấu lại trên từng lĩnh vực của ngành theo hướng đối tượng nào có lợi thế, có dư địa phát triển thì tập trung chỉ đạo, tập trung chính sách để hỗ trợ phát triển đối tượng đó.
Để nông nghiệp tỉnh có bước phát triển đột phá, ngành đã thực hiện Nghị quyết 20 và 30 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, trong đó trọng tâm là hỗ trợ các mô hình nông nghiệp CNC.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, có 24 cơ sở đầu tư sản xuất nông nghiệp CNC được hỗ trợ, với tổng kinh phí hỗ trợ 8 tỷ đồng và các địa phương cấp huyện đã thực hiện hỗ trợ với kinh phí khoảng 15,2 tỷ đồng. Sau khi nhận được hỗ trợ, các cơ sở sản xuất đã đầu tư, mở rộng sản xuất và đạt kết quả cao về năng suất, giá trị nông sản.
Tuy nhiên, qua đánh giá chung, việc hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Vì thế, bên cạnh xây dựng các văn bản, chính sách mới thay thế phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất của bà con, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp CNC..., còn cần tăng cường liên kết hợp tác.
Hợp tác toàn diện
Chia sẻ về tiềm năng phát triển nông nghiệp CNC cho Thừa Thiên Huế, PGS.TS. Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Mekong Organics nêu kinh nghiệm cũng như kết quả hợp tác giữa Mekong Organics và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển nông nghiệp sinh thái. Đó là đơn vị tiến hành lựa chọn hướng đi, lựa chọn nhãn hiệu, thương hiệu từ nông dân, cơ quan quản lý và đoàn thể... để hình thành mô hình hợp tác chuỗi giá trị cho sản phẩm liên kết.
Đại diện Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế cho rằng, để phát triển chuỗi giá trị trong nông nghiệp CNC cần liên kết các bên tham gia, từ khâu sản xuất đầu vào cho đến khi sản phẩm được tiêu thụ. Các công nghệ tiên tiến như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, công nghệ sinh học và các phương pháp sản xuất bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa các khâu trong chuỗi giá trị này.
Bên cạnh kết nối các bên trong phát triển nông nghiệp CNC còn cần mở rộng kết hợp làm nông nghiệp CNC gắn với du lịch sinh thái. Đây được xem là sự kết hợp mới lạ và là sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến với các vùng nông thôn, sử dụng sản phẩm của nông thôn. Hiện nay, xu hướng phát triển mô hình liên kết này đã được một số đơn vị thực hiện có hiệu quả trên địa bàn như: Eco village Hue, Rơm Farm, Châu Chữ Farm, Edufarm...
Giám đốc Sở KH&CN - ông Hồ Thắng cho rằng, để làm nông nghiệp CNC hiệu quả, chúng ta không nên làm theo kiểu đầu tư trước, hỗ trợ sau mà phải hỗ trợ đồng hành cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngay từ các khâu ban đầu như phê duyệt dự án đến kết nối công nghệ, sản xuất... Không nên để doanh nghiệp "tự bơi", tự làm tất cả các bước mà phải có sự trợ giúp, hợp tác, phối hợp nhịp nhàng của các thành phần: Cơ quan Nhà nước, nhà khoa học (viện/trường), nông dân, doanh nghiệp... Vì thế, để phát triển nông nghiệp CNC, cần xây dựng một hệ sinh thái liên kết bền vững, trong đó các bên cùng nhau chia sẻ lợi ích, rủi ro, trách nhiệm để tạo ra giá trị gia tăng cao nhất.