Nông nghiệp Bắc Quang khởi sắc
BHG - Năm 2024, huyện Bắc Quang phải “gồng mình” gánh 23 trận thiên tai, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đồng bộ, bài bản, khoa học trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận trong Nhân dân, ngành Nông nghiệp huyện Bắc Quang vẫn có bước chuyển mình đầy khởi sắc.
Khôi phục sản xuất sau thiên tai
23 đợt thiên tai bất ngờ xảy đến khiến huyện Bắc Quang thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Trong đó, 25 người thương vong; 651 nhà đổ, sập, tốc mái; gần 1.500 ha cây hoa màu, 13.572 con gia súc, gia cầm và hơn 118 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; nhiều công trình cộng đồng bị hư hỏng. Tổng thiệt hại lên đến hơn 137 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, cơ sở hạ tầng, thủy lợi gần 54 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, UBND huyện Bắc Quang triển khai đồng bộ giải pháp “4 tại chỗ”, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai nhằm ổn định đời sống Nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, rà soát, xác định mức độ thiệt hại trên từng lĩnh vực; xây dựng kế hoạch khắc phục và kêu gọi, vận động các nguồn lực hỗ trợ khắc phục thiên tai, khôi phục sản xuất theo phương châm xác định thiệt hại đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Đàm Thuyên cho biết: Đối với diện tích cây trồng bị thiệt hại nhẹ (dưới 30%), các hộ dân chủ động khắc phục. Còn với diện tích thiệt hại trên 70%, ngân sách huyện đã bố trí hơn 1,6 tỷ đồng hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Mặt khác, với số tiền hơn 366 triệu đồng từ ngân sách huyện giúp nhiều hộ dân có vốn chuyển đổi gần 100 ha đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại sang trồng cây vụ Đông, phủ xanh ruộng vườn, tăng thu nhập.
Riêng tại xã Việt Vinh, lũ quét tàn phá khiến nhiều diện tích sản xuất lúa bị đất, đá vùi lấp, khó có thể khôi phục để tái sản xuất. Bởi vậy, từ chủ trương của huyện, xã Việt Vinh tiến hành dồn điền, đổi thửa tại cánh đồng Nà Hông, thôn Thượng Mỹ với quy mô gần 13 ha/54 hộ tham gia. Chủ tịch UBND xã Việt Vinh Nguyễn Đình Quang cho biết: Hiện nay, xã đang tiến hành các bước chỉnh trang đồng ruộng, làm đường nội đồng, kênh mương và dồn điền. Như vậy, dự kiến từ 469 thửa ruộng ban đầu, sau chỉnh trang sẽ còn 54 thửa. Đây là cơ sở quan trọng để xã tổ chức lại sản xuất cho Nhân dân theo hướng hàng hóa, sản xuất “5 cùng” nhằm nâng cao giá trị kinh tế/đơn vị diện tích đất canh tác.
Triển vọng từ các mô hình mới
Thông qua việc triển khai các chương trình nông nghiệp trọng tâm năm 2024, trên địa bàn huyện Bắc Quang có thêm nhiều mô hình, mở ra hướng phát triển mới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nổi bật có thể kể đến mô hình trồng dâu nuôi tằm lấy tơ tại 7 xã như: Hùng An, Quang Minh, Vô Điếm… thu hút 56 hộ tham gia. Đến nay, các hộ dân đã trồng 18 ha dâu để lấy lá chăn nuôi tằm. Qua 3 lứa tằm vừa qua, sản lượng đạt gần 430 kg kén với giá bán 180 nghìn đồng/kg.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Quang Trần Minh Hữu cho biết: Trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập cao hơn so với sản xuất một số cây trồng, vật nuôi khác; bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi. Hiệu quả kinh tế từ trồng dâu nuôi tằm có thể lên tới 384 triệu đồng/1 ha/năm với 12 lứa nuôi. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Dâu tằm Yên Bái đã liên kết sản xuất, bao tiêu toàn bộ sản phẩm kén tằm cho người dân trên địa bàn huyện. Từ thành công này, huyện Bắc Quang tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm lên 150 ha vào năm 2025 để hình thành vùng sản xuất tập trung.
Nếu như trước đây, gần 28 ha đất lúa tại một số xã như: Quang Minh, Vĩnh Phúc, Đồng Tâm... cho giá trị kinh tế thấp thì nay phủ màu xanh no ấm từ cây dưa chuột. Qua sản xuất vụ Xuân và vụ Mùa, sản lượng dưa chuột đạt hơn 472 tấn quả, có giá bán từ 5 – 8 nghìn đồng/kg, giúp người dân thu lợi nhuận từ 95 – 121 triệu đồng/ha, cao gấp 2 – 3 lần so với sản xuất lúa. Bên cạnh đó, 34 hộ dân tại 3 xã Tân Lập, Đức Xuân, Quang Minh thí điểm trồng gần 3 ha dưa hấu trên diện tích đất ruộng 1 vụ. Không phụ sự tảo tần “một nắng hai sương” của người nông dân, dưa hấu sinh trưởng, phát triển tốt với năng suất bình quân đạt 15,8 tấn/ha, tạo doanh thu hơn 106 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô và các cây trồng khác vụ Xuân – Hè.
Đặc biệt, huyện Bắc Quang đã triển khai mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất lúa chất lượng cao - sử dụng phân viên nén nhả chậm, quy mô 11 ha tại 2 xã Đồng Yên, Liên Hiệp. Theo tổng hợp của ngành chuyên môn: Năng suất lúa vụ Xuân trung bình đạt 67 tạ/ha, vụ Mùa đạt 76 tạ/ha, lợi nhuận gần 56,6 triệu đồng/ha. So với cách làm truyền thống thì mô hình này không chỉ cho giá trị kinh tế cao hơn 11,3 triệu đồng mà còn giảm 10% chi phí mua phân bón và công lao động. Đồng thời, giúp người dân chủ động trong sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thời vụ, tạo điều kiện tập trung cho sản xuất vụ tiếp theo, nhất là vụ Đông.
Ngoài các mô hình trên, hiện nay, huyện Bắc Quang có hơn 270 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Trong đó, gần 160 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm. Năm 2024, giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân của huyện đạt 76,5 triệu đồng/ha đất canh tác. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tăng gam màu tươi sáng cho “bức tranh” nông nghiệp khởi sắc nơi cửa ngõ phía Nam của tỉnh.