Nông dân Việt Nam xuất sắc

Không ly nông cũng chẳng phải ly hương, bằng bàn tay cần cù, khối óc nhanh nhạy, anh Nông Văn Hoàn (sinh năm 1985), xóm Lũng Tiến, xã Hồng Trị (Bảo Lạc) phát huy thế mạnh của quê hương, năng lực của bản thân và cộng đồng, biến vùng đất khô cằn Bảo Lạc thành những bãi dâu ngút ngàn, góp phần tô điểm bức tranh trù phú, ấm no của mảnh đất biên giới miền Tây.

Khởi nghiệp từ trồng dâu, nuôi tằm

Bảo Lạc, Bảo Lâm xưa kia được biết đến là sự xa xôi, cách trở, là xứ sở của thiếu thốn và lạc hậu bởi khí hậu khắc nghiệt, đồi núi khô cằn. Vậy mà hơn chục năm trở lại đây, vùng đất này đã trù phú màu xanh của quế, hồi, dâu… Những ngày cuối năm, trên các con đường đến chợ phiên, bà con hối hả mang các lâm, thổ sản của mình đem bán, vui vẻ trao đổi hàng hóa. Sự thay da đổi thịt ấy là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo phát triển kinh tế mà những người nông dân như anh Hoàn trực tiếp thực hiện, đưa các chủ trương ấy vào cuộc sống.

Anh Hoàn tâm sự: Là người dân tộc Nùng sinh ra và lớn lên ở Bảo Lạc, từ khi còn rất trẻ, tôi đã xác định rõ sẽ gắn bó với nông nghiệp, với quê hương. Sau đó, tôi sang Trung Quốc tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm và mua 25.000 hom giống dâu về trồng trên 0,75 ha đất canh tác của gia đình. Tuy nhiên, trong 8 lứa tằm ban đầu chỉ thu hoạch được 2 lứa đầu hơn 140 kg kén; 6 lứa tằm sau do không có kinh nghiệm, tằm bị bệnh nên không cho thu hoạch. Năm đầu tuy thất bại nhưng tiền bán 140 kg kén sau khi trừ chi phí đầu tư cho thu nhập 15 triệu đồng nên tôi quyết tâm sang Trung Quốc mời chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm. Năm 2015, tôi nuôi 12 lứa tằm, trừ chi phí cho thu nhập 120 triệu đồng. Những năm sau đó, mỗi năm nuôi 2 vụ, 10 - 12 lứa tằm, bình quân đạt 70 kg kén/lứa, cao đến 80 - 90 kg kén/lứa.

Anh Nông Văn Hoàn cùng cán bộ Liên minh Hợp tác xã tỉnh kiểm tra chất lượng tằm giống.

Anh Nông Văn Hoàn cùng cán bộ Liên minh Hợp tác xã tỉnh kiểm tra chất lượng tằm giống.

Năm 2020 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các cửa khẩu giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, vì vậy không nhập khẩu trứng tằm từ Trung Quốc về Việt Nam. Sau khi hết dịch Covid-19, tình hình nhập trứng tằm từ Trung Quốc đã bình thường trở lại nhưng chi phí vận chuyển cao hơn. Việc nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc vào theo đường chính ngạch chưa thể thực hiện được vì trình tự thủ tục kiểm dịch thông quan giống tằm theo quy trình chung, giống với các loại sản phẩm động vật khác nên thời gian làm thủ tục kéo dài. Trong khi đó, quy trình kỹ thuật bảo quản trứng giống tằm chỉ cho phép từ khi trứng bắt đầu xuất khỏi kho lạnh ở Trung Quốc về đến các tỉnh của Việt Nam trong vòng 5 - 7 ngày là nở nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tằm con.

Nhìn thấy nhiều diện tích dâu tằm tại huyện Bảo Lạc bị bỏ không, nghề trồng dâu nuôi tằm đứng trước nguy cơ mai một, anh Hoàn bắt tay vào nghiên cứu giải pháp xây dựng nhà băng trứng ươm giống tằm con với diện tích 80 m2. Thiết kế sáng tạo nhà dụng cụ nuôi tằm lấy kén nhằm không phụ thuộc vào giống của Trung Quốc; anh lặn lội vào thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) tham quan học hỏi và nghiên cứu mua sắm thiết bị về tự chế sản phẩm khung gỗ né kén quay tự động, được bà con sử dụng hiệu quả. Những thiết kế sáng tạo trên thay thế phương thức nuôi tằm cũ, từ đó giảm 50% nhân lực. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, năm 2023, sản lượng kén thu được bình quân 1.700 - 2.000 kg/ha, giá trị sản phẩm bình quân đạt khoảng 185 - 250 triệu đồng/ha/năm (giá kén bình quân 185 - 195 nghìn đồng/kg). Thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm lãi gấp 17,8 lần so với trồng ngô và gấp 23,6 lần so với trồng lúa.

Hiện mô hình được nhân rộng tại huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm. Sau hơn 10 năm thực hiện trồng dâu nuôi tằm, đến nay huyện Bảo Lạc đã hình thành được vùng trồng dâu quy mô trên 360 ha với trên 670 hộ nuôi tằm.

“Muốn đi đường dài phải đi cùng nhau”

Qua nắm bắt kết quả lao động của những người nông dân trong vùng, anh Hoàn nhận thức rõ rằng những người nông dân dân tộc thiểu số như mình hoàn toàn có đủ các tố chất để phát triển sản xuất, từng bước tham gia vào quá trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hội nhập với thị trường rộng lớn. Không phải như ngày xưa “đèn ai nhà nấy rạng”, nông dân bây giờ phải liên doanh, liên kết cùng nhau theo chuỗi giá trị mới đem lại hiệu quả bền vững.

Với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, năm 2019, anh Hoàn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp 118 chuyên cung cấp giống cây con và thu mua, bao tiêu kén tằm, đồng thời HTX ươm giống tằm cung cấp cho bà con và trực tiếp trồng dâu nuôi tằm. HTX liên kết với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc ký kết hợp đồng lâu dài bền vững về bao tiêu lượng kén tằm trong huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm với giá cả ổn định.

Không dừng lại ở thành công bước đầu, HTX xây dựng nhà xưởng và kho lạnh dụng cụ nông né tằm có sức chứa bảo quản kén tằm khoảng 2 tấn/ngày với tổng mức đầu tư 700 triệu đồng. Với sự mạnh dạn đầu tư, đến nay HTX đã thu hồi lại vốn và có lợi nhuận. Không những đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, HTX còn cung ứng các sản phẩm dụng cụ né cho các hộ nghèo vay dùng trước không lấy lãi, sau 1 năm các hộ có thu nhập sẽ trả tiền, tạo điều kiện cho các hộ nghèo cùng phát triển. Mở rộng loại hình dịch vụ, ngoài đầu tư vườn ươm cây con dâu tằm, HTX còn ươm cây hồi, quế cung cấp cho một số gói dự án các xã huyện Bảo Lạc; cung ứng cây dâu tằm giống cho một số hộ nghèo và mở thêm 2 nhà xưởng kho lạnh công ten nơ tại huyện Bảo Lạc để phục vụ thu mua kén thuận lợi cho bà con.

Vườn ươm cây dâu tằm giống để cung ứng cho bà con.

Vườn ươm cây dâu tằm giống để cung ứng cho bà con.

Từ năm 2022 đến nay, HTX mở rộng diện tích vườn ươm giống cây dâu lên 3 ha với 9 triệu cây; ươm giống tằm con cung ứng cho khoảng 600 hộ tại huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và một số huyện trong tỉnh. Diện tích dâu tằm đến thời điểm hiện tại ở Bảo Lạc, Bảo Lâm và một số huyện khác khoảng 560 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch lá khoảng 300 ha, diện tích còn lại chưa cho thu hoạch. Tổng doanh thu xuất bán kén tằm khoảng 100,7 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ đạt doanh thu hơn 167,8 triệu đồng. Tổng doanh thu của HTX 45 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 1,8 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động thuộc hộ nghèo, thu nhập bình quân của người lao động 70 triệu đồng/năm và đóng bảo hiểm xã hội cho 4 thành viên trong HTX.

Ước nguyện bám trụ làm giàu từ mảnh ruộng, đám rẫy quê nhà của anh Hoàn đã trở thành hiện thực. Cùng việc giúp những người nông dân có cơ hội việc làm, thu nhập và làm giàu, anh đã đóng góp không nhỏ vào việc chung sức xây dựng quê hương nông thôn mới no ấm, văn minh. Nhiều năm liền, anh Hoàn là tấm gương nông dân tiêu biểu của địa phương không chỉ trong hoạt động kinh tế mà còn qua các phong trào do Hội Nông dân phát động, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới; vinh dự được bầu là đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tấm gương vươn lên của anh Hoàn sẽ tiếp tục lan tỏa, cuốn hút và thúc đẩy đông đảo hội viên, nông dân trong tỉnh dấn thân vì sự phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Anh Nông Văn Hoàn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ có thành tích tiểu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021; danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Bằng khen của UBND tỉnh có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020; Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân giai đoạn 2015 - 2020; 2 bằng khen của UBND tỉnh Hà Giang và Lạng Sơn có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc; giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2022 - 2023… cùng nhiều giấy khen, bằng khen khác.

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nong-dan-viet-nam-xuat-sac-3175021.html
Zalo