Khi nông dân hạnh phúc

Có câu nói 'Hạnh phúc là một hành trình chứ không phải là một đích đến', và hạnh phúc của mỗi người, mỗi nghề lại được đo đếm, cảm nhận theo một cách khác nhau. Với những người nông dân mà chúng tôi gặp, hạnh phúc là làm ra, nâng tầm những sản phẩm nông sản đặc trưng vốn có của vùng đất, quê hương; là mồ hôi, trí óc, tâm huyết được kết tinh trên từng sản phẩm; là quá trình họ mạnh dạn từ bỏ thói quen, thay đổi tư duy sản xuất để hướng tới một giá trị mang tính bền vững, mang lợi ích cho cộng đồng.

Hằng năm, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức tôn vinh, khen thưởng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tôn vinh nông dân tiêu biểu.

Hằng năm, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức tôn vinh, khen thưởng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tôn vinh nông dân tiêu biểu.

Tự hào là nông dân

Vườn cây ăn quả với diện tích 3ha của anh Ngô Văn Trường, xóm Na Tranh, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, lắp đặt hệ thống phun tưới tự động dưới lòng đất, gồm các loại cây như: bưởi chua bản địa, bưởi diễn, táo, ổi... Nguồn phân bón hữu cơ cho cây, anh tự ủ bằng cá, đỗ tương ngâm, nuôi thêm vi sinh vật bản địa, ủ với men vi sinh để tưới cho cây.

Anh Ngô Văn Trường tự thiết kế, lắp đặt hệ thống phun tưới tự động cho cây ăn quả trong vườn.

Anh Ngô Văn Trường tự thiết kế, lắp đặt hệ thống phun tưới tự động cho cây ăn quả trong vườn.

Anh chia sẻ: Những cách làm này đều đòi hỏi học tập, kiên trì áp dụng vì mất nhiều thời gian, công sức, song đổi lại, vườn cây của anh lúc nào cũng phát triển tốt, cho số lượng quả nhiều, thơm ngon, dễ bán. Với mô hình này, trừ chi phí, thu nhập của gia đình anh đạt từ 700-800 triệu đồng/năm. Anh từng được tôn vinh là tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Anh Ngô Văn Trường: Mỗi ngày trôi qua, tôi chỉ thấy thêm yêu, hạnh phúc, say mê với công việc của mình, nhắc nhở bản thân phải trách nhiệm với người tiêu dùng để làm ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Tôi thấy tự hào vì mình là nông dân, được sống khỏe mạnh, sung túc trên chính mảnh đất quê hương.

Chuyện làm vườn của anh Trường nghe đơn giản, nhưng nó thể hiện rõ điều hiển nhiên là tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch bằng cả trái tim thì sản phẩm đó luôn có một chỗ đứng. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, là xu hướng phát triển bền vững, mang lại nhiều giá trị kinh tế. Và người nông dân là "mắt xích" đầu tiên trong chuỗi ngành hàng, do vậy không chỉ vui với những thành quả mình tạo ra, mà phải biết sản xuất ra những “nông sản hạnh phúc”, những sản phẩm thị trường cần chứ không phải sản xuất theo ý mình. Khi đó mới tạo ra một nền nông nghiệp bền vững.

Vườn bưởi được canh tác theo hướng hữu cơ, để cỏ mọc tự nhiên của gia đình anh Ngô Văn Trường, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ).

Vườn bưởi được canh tác theo hướng hữu cơ, để cỏ mọc tự nhiên của gia đình anh Ngô Văn Trường, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ).

“Nông sản hạnh phúc”

Cây chè ở Thái Nguyên nổi tiếng khắp muôn phương, nghề làm chè đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người nông dân nơi đây qua các thế hệ. Khác với trước, người làm chè chạy theo năng suất dẫn tới lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật khiến chất lượng kém, đất đai bạc màu.

Và thật mừng, khi hơn chục năm nay, nhiều nông dân, chủ thể sản xuất, kinh doanh chè đã thay đổi tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông nghiệp; chuyển từ sản xuất manh mún, cá thể sang liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã.

Đồng thời, chuyển canh tác từ dựa theo kinh nghiệm, thời tiết, từ bón phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP rồi chuyển dần sang canh tác hữu cơ; chuyển từ đơn lẻ sản phẩm truyền thống sang đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ nhiều lứa tuổi, nhu cầu khác nhau…

Vùng chè canh tác, đạt chuẩn hữu cơ của nông dân Khe Cốc, xã Tức Tranh, (Phú Lương).

Vùng chè canh tác, đạt chuẩn hữu cơ của nông dân Khe Cốc, xã Tức Tranh, (Phú Lương).

Anh Tô Văn Khiêm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chè an toàn Khe Cốc luôn say sưa, tự hào khi nói về cây chè, vùng đất quê hương Tức Tranh (Phú Lương). Anh bảo, nếu mình cứ như bao người trên mảnh đất này, ngày này qua tháng khác chỉ quanh quẩn với việc lên đồi hái chè, sao chè rồi ra chợ bán, thì bản thân mình cũng khắc khoải, không hạnh phúc với chính mình. Sản phẩm chè quê hương cũng sẽ không đi đến đâu dù có nằm trong vùng chè nổi tiếng thế giới.

“Nếu mình cứ như bao người mảnh đất này, ngày này qua tháng khác chỉ quanh quẩn với việc lên đồi hái chè, sao chè rồi ra chợ bán, thì bản thân mình cũng khắc khoải, không hạnh phúc với chính mình”- anh Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc.

Đau đáu, trăn trở cùng với cơ duyên được đi thăm quan vùng chè tại Nhật Bản, trở về nhà anh quyết tâm thay đổi “số phận” cây chè, bằng cách làm chè hữu cơ, tạo ra “cây chè hạnh phúc”. Anh đã thành lập HTX, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với gần 80 hộ dân, vùng nguyên liệu khoảng 60ha chè, trong đó 40ha chè đã được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. HTX đang sản xuất hơn 10 dòng sản phẩm trà khác nhau, trong đó có các sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, 3 sao... HTX đã có những đơn hàng sang các nước như: Ba Lan, Pháp, Bỉ, Hà Lan với đa dạng sản phẩm như kẹo trà xanh, matcha trà xanh và trà túi lọc…

Anh Tô Văn Khiêm,Giám đốc Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc.

Anh Tô Văn Khiêm,Giám đốc Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc.

Cùng với anh Khiêm, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều nông dân vươn lên làm chủ hợp tác xã, doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu nên những sản phẩm chè nổi tiếng của từng vùng. Các thương hiệu trà được tạo ra từ những người nông dân yêu chè, yêu quê hương như: chè Hảo Đạt, chè La Bằng, chè Khe Cốc, chè Thủy Thuật, trà Tiến Yên, Hương Vân trà, chè Thịnh An, chè Nguyên Việt, chè Thái trà…

Không chỉ chè, mà chúng tôi tin, tất cả những thương hiệu nông sản được khẳng định đều được làm ra bởi những vùng nguyên liệu an toàn, hữu cơ, bởi tình yêu của người nông dân một nắng hai sương và bởi thôi thúc một điều gì đó từ bên trong mỗi người, mang lại giá trị tốt đẹp cho cả cộng đồng chứ không chỉ vì bản thân, gia đình họ. Khi đó, họ thực sự là những nông dân hạnh phúc!

Tất nhiên, để có những “nông sản hạnh phúc”, “nông dân chuyên nghiệp” thì lại là một câu chuyện dài, cần sự vào cuộc từ nhiều phía, cũng như khả năng “tự tri thức hóa” của mỗi người nông dân.

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202501/khi-nong-dan-hanh-phuc-d2423d7/
Zalo