Nông dân tái sản xuất vụ màu sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Vụ màu phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 thu hoạch xong, nông dân lại tất bật cải tạo đất để xuống giống cho vụ màu tiếp theo. Không khí tại các cánh đồng trồng màu rất nhộn nhịp.
Ông Trần Xên, ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên đã gắn bó với việc trồng màu chuyên canh hơn 40 năm nên hầu hết các loại rau màu ông đều hiểu được đặc tính sinh trưởng của chúng và biết cách chăm sóc để màu cho năng suất tốt, chất lượng cao và hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc hay phân bón hóa học. Ông thường trồng 4 loại màu theo nhu cầu thị trường gồm: hành lá, hẹ, cải rổ, bông cải. Cận Tết thì sẽ trồng hành lá, bông cải vì đây là 2 loại người tiêu dùng cần dùng nhiều để chế biến món ăn trong các ngày Tết.
![Nông dân đang tích cực cải tạo đất để xuống giống vụ màu tiếp theo phục vụ thị trường trong năm 2025. Ảnh: THÚY LIỄU](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_451_51440197/43aa7b614f2fa671ff3e.jpg)
Nông dân đang tích cực cải tạo đất để xuống giống vụ màu tiếp theo phục vụ thị trường trong năm 2025. Ảnh: THÚY LIỄU
“Tôi trồng 2 công hành lá thu hoạch trong dịp Tết đạt sản lượng 3 tấn, giá bán 20.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Còn thời điểm hiện tại thì bông cải tôi trồng bán Tết cũng đã cho thu hoạch từ ngày mùng 3 Tết, sản lượng thu về là 4 tấn/2 công, nếu giá bán 10.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận 15 triệu đồng. Với 2 công trồng hành đã thu hoạch trước đó, tôi đang cải tạo đất xuống giống lại cải rổ; còn diện tích trồng bông cải sau khi thu hoạch dứt điểm mùa vụ sẽ cải tạo đất trồng hành”, ông Trần Xên cho biết thêm.
Cách rẫy trồng màu của ông Trần Xên chỉ vài chục mét là rẫy màu của ông Lâm Minh Hà, ấp Đại Nghĩa Thắng. Ông Minh Hà cũng là hộ dân trồng màu chuyên canh lâu đời tại địa phương. Trong vụ màu tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Hà chọn trồng hành lá và ớt bán Tết, diện tích là 2 công, giá bán hành, ớt cao hơn cùng kỳ năm trước nên trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. Dự kiến diện tích trồng ớt và hành đã bán trong dịp Tết sẽ cải tạo đất trồng tiếp hành lá, bởi hành dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, thị trường tiêu thụ ổn định quanh năm.
Đang điều khiển chiếc máy xới đất, chuẩn bị xuống giống cho vụ màu sau Tết, ông Quách Bình Thương, ấp Đại Nghĩa Thắng cho biết: "Trong vụ màu tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tôi trồng 2 công cải rổ bán Tết, giá bán 5.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng. Mặc dù, lợi nhuận chưa nhiều nhưng tạo được nguồn vốn cho việc tái sản xuất mùa vụ màu sau Tết. Hiện tại, tôi cải tạo đất và sẽ xuống giống cây cải rổ, bởi cải trồng tùy theo từng thời điểm sẽ có giá bán tốt, đem về lợi nhuận cao cho người canh tác, đặc biệt là cây cải rổ dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn nên trồng được nhiều vụ trong năm".
Theo thông tin từ ngành chuyên môn, diện tích màu trên địa bàn tỉnh ước hơn 48.700ha. Sản lượng màu trồng tại tỉnh được phân phối cho các chợ truyền thống ở các địa phương trên toàn tỉnh. Cùng với đó, có một số rau màu cũng được thương lái, vựa thu mua bán cho một số tỉnh bạn. Màu trồng bán trong dịp tết Nguyên đán vừa qua đảm bảo cung ứng tốt thị trường Tết và lượng màu tiêu thụ hết, mặc dù giá không cao nhưng vẫn đảm bảo nông dân canh tác màu có lợi nhuận.
Để vụ màu sau Tết đạt năng suất, chất lượng, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân áp dụng canh tác màu theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện tại, chú ý đến tình hình hạn, mặn để có biện pháp tích trữ nước tưới màu phù hợp, tránh cho màu bị ảnh hưởng do hạn, mặn gây ra.