Phải chấn chỉnh ngay!
Dịp trước trong và sau Tết Ất Tỵ có nhiều câu chuyện đẹp, cảm động, nhiều chuyện dọc đường về làm ăn, buôn bán, nghe mà mát lòng mát dạ. Thế nhưng, cũng có những điều thật buồn, thậm chí xấu hổ cho người Việt ta.
![(Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_232_51443273/979cdaf8eeb607e85ea7.jpg)
(Ảnh minh họa)
Ở đây chỉ nói riêng chuyện nhân ngày Tết mà người bán hàng, nhất là hàng ăn tăng giá tùy tiện, tăng giá đến bất ngờ, bất lương. Tăng giá suất ăn dọc đường, bát bún riêu, bát phở... tưởng đâu là chuyện nhỏ nhặt mà thành chuyện nóng râm ran, khiến cho chính quyền phải vào cuộc. Mà không phải chỉ chính quyền cơ sở, đến người lãnh đạo cấp quận, cấp thành phố, lãnh đạo Chính phủ cũng phải lên tiếng, vào cuộc.
Hôm 8/2 vừa qua, tại cuộc họp chuyên đề về công tác quản lý điều hành giá, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã phải nhắc đến câu chuyện “xót ruột” về tình trạng “chặt chém” khách hàng, đến mức tạo thành làn sóng trong dư luận, chính quyền phải tước giấy phép kinh doanh đối với chủ quán vi phạm. Chuyện xảy ra trong làng xã, đường phố đã là không nên, ở đây lại liên quan đến cả du khách người nước ngoài.
Đó là chuyện đúng vào tối mồng 1 Tết, khách hàng ăn ba bát bún riêu tại một cửa hàng ở 54 phố Bạch Mai, phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã phải trả đến 1,2 triệu đồng. Sau khi vụ việc bị vạch mặt chỉ tên, chủ quán thanh minh, ngày tết chúng em đùa tí, “một trăm” thì nói là “một triệu” cho... vui. Thế rồi khi khách hàng thanh toán bằng mã QR thì do đông khách nên không biết khách trả thừa tiền (!). Thật là khó nghe. Trong khi các quán xung quanh đều nói rõ, trong mấy ngày Tết vì là ngày nghỉ, thực phẩm đắt, công lao động cao hơn nên cho phép nhà hàng tăng giá 10%. Vậy, nếu có tăng thì bát bún riêu cũng chỉ nhích đôi chút từ 40 lên 50 nghìn đồng. Sòng phẳng như thế nên cả chủ và khách đều vui.
Cuối cùng thì chủ quán bún nổi tiếng bất đắc dĩ cũng đã phải xin lỗi khách hàng. Và quán này bị đình chỉ kinh doanh trong một thời gian, tiền khách trả thừa được đưa vào quỹ “Vì người nghèo”của phường.
Chuyện bún riêu, chuyện phở bán giá 1 triệu đồng đã nóng là có chuyện nóng hơn xảy ra ở thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa. Chuyện là thế này, hôm 4/2, trên Facebook, tài khoản M.H đã chia sẻ thông tin: Khách hàng người Trung Quốc viết trên App Xiaohongshu chê trách Nhà hàng hải sản Aroma Beach tính giá các món ăn với giá trên trời khi khách sử dụng các dịch vụ tại nhà hàng này. Trước vấn đề nhạy cảm, lãnh đạo thành phố biển đã cho thanh tra, và đã có thông cáo báo chí. Cơ quan chức năng kết luận, quán Aroma Beach có dấu hiệu sai biển hiệu, bảng quảng cáo và niêm yết giá lập lờ, dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Trích xuất hóa đơn từ máy tính của quán và đối chiếu với thực đơn niêm yết, trích xuất đoạn camera ghi lại thời điểm đoàn khách nước ngoài dùng bữa thấy rõ những sai phạm. Cuối cùng chủ nhà hàng đã thừa nhận những việc làm không nên, không đúng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố du lịch và phải tạm dừng kinh doanh.
Còn nhiều vụ việc khác gây dư luận xấu trong dịp Tết. Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, thực hiện nghiêm việc niêm yết và bán đúng giá niêm yết, không để tái diễn tình trạng này. Cơ quan chức năng cũng như chính quyền các cấp, nhất là cơ sở cần bám sát các văn bản luật hiện hành, nhất là luật quản lý giá để yêu cầu các cơ sở kinh doanh tuân thủ nghiêm túc; xử lý nghiêm minh khi có dấu hiệu vi phạm phát luật.
Đó là về lý, chuyện tình nghĩa con người, chuyện đạo đức kinh doanh mới là chuyện căn cốt, dài lâu. Sau Tết là đến mùa lễ hội. Nhưng lời phàn nàn về tình trạng “hét” giá kinh hoàng, về chuyện vừa bán vừa đuổi khách, chuyện vệ sinh thực phẩm không bảo đảm, gây ra những vụ ngộ độc... vẫn đang ồn ào khắp nơi.
Cha ông ta dạy, “ăn ở có đức không có sức mà ăn”, “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. Ở đời thói đổi trắng thay đen, bán hàng giả, cân điêu, đong thiếu sớm muộn cũng bại lộ, chẳng lừa được ai. Nói một cách bài bản, thời làm ăn manh mún cho đến thời kinh tế số, đạo đức kinh doanh luôn được xem là gốc, là của để dành. Đó không phải một triết lý suông mà là một tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của người kinh doanh, buôn bán. Đạo đức kinh doanh không phải chuyện mơ hồ, nó thật sự gắn liền với lợi ích của cá nhân người kinh doanh và xã hội.
Vẫn biết luật pháp dù có đầy đủ đến đâu vẫn không thể phủ kín mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Nhưng dù sao cũng phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, từ các hộ kinh doanh lớn đến những chủ quán nhỏ, không để chuyện nhỏ thành chuyện lớn, ảnh hưởng đến việc quảng bá, thu hút khách du lịch, đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.
Đúng như chỉ đạo của Chính phủ: Phải chấn chỉnh ngay, thường xuyên kiên quyết và mạnh mẽ hơn!