Ngày xuân nghe nông dân Nam Sách kể chuyện làm giàu
Xuân về mang theo bao ước vọng về một năm mới đủ đầy, sung túc. Ngày xuân, chúng tôi được nghe câu chuyện làm giàu của một số gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện Nam Sách (Hải Dương).

Ông Trần Đức Bình, chủ cơ sở sản xuất Thanh Bình giới thiệu sản phẩm giò lụa đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Đam mê với cây lúa
Nếu chỉ nhìn ngắm khuôn viên ngôi nhà bề thế, khang trang thiết kế kiểu biệt thự, nội thất trong nhà cũng đều là những đồ hiện đại của gia đình ông Lê Văn Thuyên ở khu Đồn Bối (thị trấn Nam Sách), có lẽ không ai nghĩ rằng đây là ngôi nhà của một lão nông chính hiệu. Tất cả đều được làm nên từ cây lúa và sự cần cù, sáng tạo, năng động của người nông dân thời 4.0 này. Bên ấm trà xuân tỏa vị thơm nồng, chúng tôi nghe ông Thuyên kể chuyện từ cấy lúa nuôi con ăn học, rồi cũng từ cấy lúa đã giúp gia đình ông làm giàu.
Vốn là con nhà nông, dù đã thử sức với nghề chăn nuôi cho thu nhập khá, trong ông luôn nung nấu ý nghĩ phải làm giàu từ chính cây lúa. Từ năm 2017, ông bắt đầu chuyên sâu vào cấy 10 mẫu ruộng và tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất từ khâu làm đất, gieo mạ, trừ sâu chuột đến khi thu hoạch. Ông là người luôn tiên phong trong thực hiện các phương thức sản xuất mới như cấy máy mạ khay, phun thuốc trừ sâu bằng phương tiện bay không người lái, cánh đồng không dấu chân…
Hiệu quả kinh tế qua từng vụ, từng năm là động lực thôi thúc ông Thuyên tăng diện tích cấy lúa có khi tới 18 mẫu, trung bình mỗi vụ thu hoạch từ 27-30 tấn lúa với thu nhập hằng năm đạt 300 triệu đồng.
Điều đáng nói là bằng kinh nghiệm của mình, ông Thuyên đã tích cực tư vấn, hướng dẫn cho bà con trong làng, ngoài xã cùng áp dụng để đạt năng suất cao và tận dụng hết ruộng đất để sản xuất. Ông Thuyên cho hay: “Là con nhà nông nên ngay từ khi còn thanh niên tôi đã tâm huyết với cây lúa rồi, từ tâm huyết đến đam mê. Mình làm được, làm thành công thì vận động bà con cấy lúa sao cho đạt năng suất cao người ta mới nghe theo, làm theo. Mong sao năm Ất Tỵ 2025 mưa thuận gió hòa để bà con nông dân tiếp tục có những mùa vàng bội thu”.

Vợ chồng ông Thuyên chuẩn bị xuất bán thóc
Ngoài 70 tuổi vẫn ham lao động
Tết này, gia đình ông Nguyễn Khắc Chức ở thôn Trần Xá, xã Nam Hưng sung túc hơn mọi năm nhờ chính sự nỗ lực và quyết tâm làm giàu của người nông dân đã ngoài 70 tuổi đời này. Đưa chúng tôi đi thăm khu trang trại trên 4.000 m² xen giữa những khu vực nuôi lợn nái, lợn thịt là những dãy chậu cây cảnh được uốn tỉa đẹp mắt, khu vườn quy hoạch gọn gàng với những cây bưởi, cây cam trĩu quả vàng tươi, có cả cây đào đỏ thắm sắc xuân, ông Chức nói vui: ''Tôi làm chuồng trại kiểu công viên mà. Năm 2024 vừa qua lợn thịt được giá ổn định trong thời gian dài nên các hộ chăn nuôi lợn thu nhập rất tốt, gia đình tôi cũng như bà con phấn khởi lắm”.
Khu trang trại này được gia đình ông Chức xây dựng cách đây 7 năm theo mô hình VietGAP với số vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng. Sẵn có kinh nghiệm chăn nuôi, lại tích cực học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc đàn lợn, tìm hiểu quy trình chăn nuôi nên đàn lợn nhà ông Chức được chăm sóc tốt. Đợt dịch tả lợn châu Phi cách đây vài năm, trong khi nhiều trang trại chăn nuôi điêu đứng, thậm chí phá sản, toàn bộ đàn lợn nhà ông vẫn sinh trưởng bình thường.
Nhà ông duy trì thường xuyên trên dưới 40 con lợn nái, 300 lợn thịt, tháng nào cũng đều đặn xuất bán từ 4 - 5 tấn. Thế nên mỗi năm nhà ông thu lãi hàng tỷ đồng là chuyện bình thường. Ông Chức phấn khởi cho biết: năm 2024 là một năm chăn nuôi thuận lợi, giá bán cao và ổn định. Trong dịp tết Ất Tỵ này, ông vừa xuất 6 tấn lợn thịt. Sau tết, ông cũng đã xuất bán trên 6 tấn lợn nữa.

Ông Nguyễn Khắc Chức kiểm tra đàn lợn thịt và lợn giống
Phát triển mô hình kinh tế tổng hợp
Những người nông dân vươn lên làm giàu ngay tại quê hương như những bông hoa đẹp trong vườn hoa xuân rực rỡ. Ở thôn Cẩm La, xã Đồng Lạc có một ''bông hoa'' như thế. Bằng sự năng động, nắm bắt nhu cầu thị trường, cùng với duy trì mô hình VAC và kinh doanh phòng trọ, hộ ông Trần Đức Bình còn mở thêm cơ sở sản xuất giò chả. Lấy niềm tin, sức khỏe người tiêu dùng làm thước đo uy tín và chất lượng sản phẩm, giò chả nhà ông Bình hương vị thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng.
Không chỉ bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Bình còn tạo ra các sản phẩm giò, chả, xúc xích đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Hiện sản phẩm giò lụa và xúc xích Thanh Bình của nhà ông đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Chuẩn bị cho Tết vừa qua có đủ hàng phục vụ khách đặt, ông Bình đã đầu tư thêm máy làm xúc xích, máy nướng chả, máy thái bì, cối xay thịt, thuê thêm lao động đủ để mỗi ngày làm ra 3 - 4 tạ giò, chả, xúc xích các loại, tăng gấp 3 - 4 lần ngày thường.
Với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, trung bình mỗi năm hộ ông Bình đạt nguồn thu trên 3 tỷ đồng, cho lãi xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Đầu năm mới, nghe những câu chuyện làm giàu của các hộ nông dân huyện Nam Sách, trong lòng bỗng trào dâng một cảm giác lâng lâng, say say như vừa chạm môi cạn chén rượu xuân nồng. Đó mới chỉ là 3 trong số 6.619 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm 2024 trên địa bàn huyện. Chính họ, những người nông dân cần cù, chịu khó và những khối óc dám nghĩ, dám làm, tự lực vươn lên và đứng vững trước những khó khăn, thử thách đã góp phần làm cho quê hương, đất nước phơi phới sức xuân, vững vàng bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.