Nông dân Kim Sơn tích cực chăm sóc hoa, cây cảnh phục vụ thị trường Tết
Còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, những ngày này, nông dân tại các vùng trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện Kim Sơn đang tất bật chăm sóc cây để phục vụ thị trường Tết.
Xã Xuân Chính (Kim Sơn) là địa phương có diện tích trồng đào cảnh lớn của huyện, với hơn 50ha. Nhiều năm nay, nghề trồng đào cảnh đã mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.
Gắn bó hơn 20 năm với nghề trồng đào, anh Phạm Văn Hiểu, thôn Chỉ Thiện, xã Xuân Chính có 1 mẫu trồng 700 cây đào các loại, trong đó có 50 cây đào to (đào rừng), còn lại là đào nhỏ. Hiện anh đang tập trung những công việc trong giai đoạn “ép” đào ra hoa.
Anh Hiểu cho biết: Chăm sóc đào là việc làm quanh năm, song bắt đầu từ tháng 9 (âm lịch) đến Tết Nguyên đán là tất bật nhất vì đây là thời điểm quyết định vụ đào có thành công hay không.
Theo anh Hiểu, để có một cây đào đẹp, cành đều, có nhiều dăm nụ và ra hoa đúng dịp Tết, đòi hỏi quá trình chăm sóc khéo léo và tỉ mỉ ở từng công đoạn. Từ nguồn giống khỏe mạnh; đất trồng đầy đủ dinh dưỡng; chăm sóc, bón phân, tưới nước phải cân đối, phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thời tiết, còn cần những kỹ thuật thành thạo như “thiến” đào hay tuốt lá đào. Anh đã hoàn tất công đoạn “thiến” đào để hạn chế sự sinh trưởng của cây, tuốt lá để “ép” đào đơm nụ.
Đồng chí Vũ Huy Nam, Chủ tịch UBND xã Xuân Chính cho biết: Nghề trồng đào cảnh đã mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Hiện xã có hơn 200 hộ trồng đào, so với trồng lúa và các loại cây khác, cây đào mang lại giá trị kinh tế cao gấp 10-15 lần. Giá bán từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/cây tùy kích cỡ to, nhỏ, thậm chí đối với loại đào rừng (đào cổ) được người dân mua tận vùng Tây Bắc về ghép mắt, chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng đẹp có giá lên đến đến hàng chục triệu đồng.
Bên cạnh bán cây, người dân còn làm dịch vụ cho thuê đào trưng bày Tết với giá dao động từ 30-40% giá trị của cây. Bình quân mỗi hộ trồng đào thu nhập từ 100-500 triệu đồng/năm. Do vậy, thời điểm này, các hộ trồng đào đang cẩn thận chăm sóc để có một vụ hoa thắng lợi.
Chúng tôi đến thăm vườn đào của ông Nguyễn Văn Thực, một trong những hộ trồng đào đầu tiên ở xóm 8, xã Hồi Ninh (Kim Sơn). Cần mẫn kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây, ông Thực phấn khởi cho biết: “Năm nay tôi có khoảng 200 cây đào bán dịp Tết, trong đó khoảng 90% đã được khách hàng đặt trước. Với giá bán trung bình từ 300- 500 nghìn đồng/cây, ước tính sau khi trừ chi phí, tôi có thu nhập khoảng 200 triệu đồng”. Xã Hồi Ninh có truyền thống trồng đào, hiện có 197 hộ trồng với diện tích trên 10ha chủ yếu là 3 loại đào là đào phai 5 cánh, đào phai 5 cánh kép và bích đào.
Ông Phạm Văn Tỵ, Giám đốc HTX trồng đào Hồi Ninh cho biết: Người trồng đào nơi đây hầu hết đều có nhiều kinh nghiệm từ việc tự nhân giống đến việc trồng và chăm sóc nên đào của Hồi Ninh không chỉ đẹp, sai hoa, nở đúng dịp Tết mà còn có giá bán thấp hơn các nơi khác, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Năm nay giá đào cao hơn so với năm ngoái từ 20-40%, lượng khách mua cũng tăng do một số địa phương có diện tích trồng đào bị thiệt hại sau bão số 3 dẫn đến nguồn cung bị thiếu hụt. Thời điểm này hầu hết các vườn đào đã có từ 80-90% số lượng cây được khách hàng đặt trước. Với giá trị kinh tế cao, cây đào không chỉ trở thành cây làm giàu cho nhiều gia đình mà còn tạo thương hiệu cho địa phương.
Năm 2023, cây đào xã Hồi Ninh đã trở thành sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội liên kết, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững của địa phương. Tương tự thời điểm này, những hộ trồng hoa ở xã Kim Tân (Kim Sơn) cũng đang tích cực chăm sóc, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh cho vườn hoa để phục vụ Tết. Toàn xã hiện có gần 10ha, với hơn 60 hộ trồng hoa. Các loại hoa được trồng chủ yếu ở đây là hoa huệ, hoa cúc các loại, lay ơn…
Mặc dù hoa được sản xuất quanh năm nhưng dịp cuối năm được xem l vụ chính, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Vì vậy ngay từ tháng 9 (âm lịch), nông dân trong xã bắt đầu xuống giống vụ hoa Tết. Để cây phát triển khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh và ảnh hưởng thời tiết, người nông dân đã chủ động áp dụng công nghệ như giăng lưới, thắp điện và sử dụng các loại phân hữu cơ, chế phẩm sinh học nhằm nâng cao sức đề kháng cho cây trồng. Hiện các vườn hoa đang trong giai đoạn phát triển tốt.
Những năm gần đây, nghề trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện Kim Sơn ngày càng phát triển, vì mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Trung bình mỗi sào hoa cho thu nhập từ 20- 40 triệu đồng. Ngoài những xã như Xuân Chính, Hồi Ninh, Kim Tân thì Hùng Tiến, Kim Định, Chất Bình… là những địa phương có diện tích trồng hoa, cây cảnh khá lớn của huyện. Thời điểm này, không khí khẩn trương chăm sóc, tạo dáng, cắt cành, tỉa lá, chong đèn… diễn ra ở tất cả các nhà vườn.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, thời tiết có những diễn biến phức tạp, đây cũng là giai đoạn quan trọng nhằm bảo đảm vụ hoa đạt năng suất, chất lượng. Do đó, các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh cần chú trọng chăm sóc cây phù hợp với điều kiện thời tiết; thường xuyên kiểm tra vườn hoa, cây cảnh để sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phòng, trừ sâu, bệnh hại kịp thời; áp dụng các biện pháp kỹ thuật tạo tán, điều chỉnh nhiệt độ để cây có dáng đẹp, trổ hoa đúng dịp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.