Nông dân huyện đảo Tiền Giang thoát nghèo nhờ loài cỏ công dụng 'thần kỳ' với sức khỏe

Những năm gần đây, nghề trồng sả đã trở thành một trong những giải pháp hiệu quả giúp nhiều hộ nông dân huyện đảo Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) thoát nghèo, cải thiện đời sống và xây dựng tương lai tươi sáng hơn.

Kinh tế khấm khá nhờ trồng sả

Tại xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông), những cánh đồng sả trải dài, xanh mướt dưới ánh nắng mặt trời.

Ông Nguyễn Văn Hòa, một nông dân đã gắn bó với nghề trồng sả hơn 5 năm, chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, thu nhập bấp bênh. Năm 2019, tôi quyết định chuyển sang trồng sả vì thấy đây là cây trồng dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và có giá trị kinh tế cao."

Ông Hòa cho biết, sả là cây trồng có thể phát triển tốt trên đất phèn, phù hợp với điều kiện khí hậu của huyện đảo. Sau khi trồng, chỉ khoảng 6 tháng là có thể thu hoạch. Mỗi vụ thu hoạch, gia đình ông thu về từ 30 triệu đến 50 triệu đồng, giúp ông không chỉ trang trải cuộc sống mà còn có điều kiện cho con học hành.

Những cánh đồng sả bạt ngàn ở huyện đảo Tân Phú Đông. (Ảnh: Song Ngọc).

Những cánh đồng sả bạt ngàn ở huyện đảo Tân Phú Đông. (Ảnh: Song Ngọc).

Không chỉ có ông Hòa, nhiều nông dân khác tại Tân Phú Đông cũng đã tìm đến nghề trồng sả như một hướng đi mới.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (cư trú tại ấp Bà Tiên 2, xã Phú Đông,) cho biết thời gian qua, chính quyền địa phương tích cực khuyến khích nông dân chuyển đổi từ việc trồng lúa một vụ với năng suất thấp sang trồng sả. Gia đình chị đã quyết định chuyển 7.000m2 đất lúa sang trồng chuyên canh cây sả.

Mỗi năm, gia đình chị trồng từ 2 vụ sả. Với diện tích trên cho năng suất từ 8 đến 10 tấn/vụ, với giá bán dao động từ 4.000 đến 8.000 đồng/kg tùy vào từng thời điểm. Nhờ vậy, cây sả mang lại cho gia đình chị thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Chị Thắm chia sẻ thêm: “Trong thời gian nhàn rỗi, tôi còn nuôi thêm bò, gà và trồng một số loại rau màu. Nhờ có ruộng sả, không chỉ cải thiện được cuộc sống, mà gia đình tôi còn ngày càng khấm khá hơn".

Nhằm hỗ trợ người dân, chính quyền địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng sả, cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, các tổ chức nông nghiệp cũng đã giúp nông dân kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi về giống, phân bón và kỹ thuật.

Thông tin với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông cho biết, 1ha sả cho năng suất khoảng 15 tấn, trong khi đó trồng lúa khoảng 4 tấn, giá lúa và giá sả tương đương nhau. Vì vậy người dân trồng sả thu nhập cao hơn trồng lúa từ 3 đến 4 lần. Đến nay, có gần 90% nông dân ở 2 xã Phú Thạnh và Phú Đông của huyện trồng sả.

Theo ông Hải, trung bình mỗi năm người dân trồng 2 vụ, khu nào đất tốt có thể trồng 3 vụ. Mỗi héc ta thu khoảng 10-15 tấn sả/vụ, với giá bán từ 4.000-8.000 đồng/kg (tùy thời điểm) thì mỗi héc ta cũng thu được khoảng trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Nông dân huyện đảo Tân Phú Đông thu hoạch sả. (Ảnh: Song Ngọc).

Nông dân huyện đảo Tân Phú Đông thu hoạch sả. (Ảnh: Song Ngọc).

Liên kết để hạn chế rủi ro cho cây sả

Theo ông Hải, cây sả Tân Phú Đông cho chất lượng tốt, cây to, hàm lượng tinh dầu cao, được thị trường trong nước ưa chuộng, đồng thời xuất khẩu ra nước ngoài. Huyện đang hướng đến nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nâng cao sản lượng và chất lượng cho cây sả.

Những năm qua, cây sả được ưu tiên mở rộng diện tích sản xuất trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông, với phần lớn diện tích sả được trồng ở huyện Tân Phú Đông đều theo đề án chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng.

Tuy nhiên, để ổn định đầu ra, không xảy ra tình trạng "cung vượt cầu" với cây sả, ngành nông nghiệp huyện Tân Phú Đông cần phối hợp với các ngành có liên quan, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân trồng sả theo vùng quy hoạch và tìm đầu ra ổn định.

Mặt khác, cần hướng cây sả thương phẩm đến sản xuất "sạch", sản xuất hữu cơ để xây dựng "thương hiệu", phục vụ nhu cầu của thị trường ngày càng cao. Đến nay, toàn huyện Tân Phú Đông xây dựng được vùng trồng chuyên canh sả khoảng 3.800 ha, thu hàng chục ngàn tấn sả thương phẩm mỗi năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ khi phát hiện cây sả thích nghi tốt với điều kiện hạn mặn và không tốn nhiều nước tưới như các loại cây trồng khác, dễ dàng duy trì sản xuất trong mùa khô.

Mặt khác, trồng sả chi phí phân bón, nhân công chăm sóc thấp và có thể trồng nhiều vụ trong năm, giá trị kinh tế cao, ít rủi ro. Đồng thời xác định là cây trồng chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu tại vùng cồn bãi, cù lao nhiều khó khăn của tỉnh Tiền Giang.

Chuẩn bị xuất bán sả cho thương lái. (Ảnh: Song Ngọc).

Chuẩn bị xuất bán sả cho thương lái. (Ảnh: Song Ngọc).

Nghề trồng sả không chỉ giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo mà còn tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Chỉ riêng lao động nữ lặt lá sả, cắt sả cũng có thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng/người.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, người nông dân vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả có lúc lên cao nhưng cũng có lúc giảm sâu. Điều này đòi hỏi nông dân phải linh hoạt trong việc sản xuất và tiêu thụ.

Cũng như những nông dân khác ở huyện đảo Tân Phú Đông, ông Nguyễn Văn Bình, ngụ xã Phú Đông, cho biết: "Chúng tôi đang tìm cách liên kết với nhau để tạo ra một hợp tác xã trồng sả, từ đó có thể chủ động hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm và giảm thiểu rủi ro".

Nghề trồng sả đã và đang trở thành một trong những hướng đi mới, giúp nông dân huyện đảo Tân Phú Đông thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.

Với sự hỗ trợ từ chính quyền và sự nỗ lực của người dân, trong tương lai không xa, Tân Phú Đông sẽ trở thành một vùng đất trù phú, nơi mà những cánh đồng sả xanh mướt sẽ tiếp tục mang lại ấm no cho người dân nơi đây.

Song Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nong-dan-huyen-dao-tien-giang-thoat-ngheo-nho-loai-co-cong-dung-than-ky-voi-suc-khoe-204250107110740299.htm
Zalo