Hỗ trợ các doanh nghiệp thủ công, truyền thống tiếp cận với công nghệ

Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua sắm sản phẩm trên các nền tảng số, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Vì vậy, việc chuyển mình trong hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nghề truyền thống là xu thế tất yếu.

Đối với nghề thủ công truyền thống, quảng bá sản phẩm, thương hiệu đã khó, hiện nay còn phải đối mặt với những hình thức tiêu thụ online có sức cạnh tranh lớn, trong khi sản phẩm làng nghề còn yếu so với sản phẩm cùng loại đến từ các nước khác. Nguyên do, bởi làng nghề chậm đổi mới mẫu mã, thiếu tính sáng tạo, thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt.

Việc giúp các nghệ nhân và cơ sở tiếp cận công nghệ số đang trở thành nhu cầu thiết thực, góp phần đắc lực phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Vì vậy, cần có các hình thức phổ biến cho các nghệ nhân, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hiểu về công nghệ số, biết các kỹ năng cần thiết. Nếu các nghệ nhân, cơ sở không tự thực hiện được thì nên có các hình thức trợ giúp cụ thể, hoặc mở địa chỉ bán hàng online chung cho nhiều nghệ nhân, cơ sở cùng tham gia.

Sản phẩm của làng nghề bánh kẹo truyền thống ở Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Sản phẩm của làng nghề bánh kẹo truyền thống ở Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Song song với đó, người bán cũng cần xác định thị trường mục tiêu cho sản phẩm, phương thức tốt nhất là phát triển thị trường ngách. Để tìm được thị trường ngách, người dân làng nghề có thể sử dụng một số công cụ như: Tra cứu về xu hướng trên google, tham gia các nhóm truyền thông xã hội và cộng đồng trực tuyến liên quan đến thị trường, kiểm tra sự cạnh tranh của sản phẩm.

Tại Tọa đàm “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam”, bà Ngô Thị Tính - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh chia sẻ: Sản phẩm của chúng tôi có mặt ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc, do ông bà tôi sản xuất, gián đoạn một thời gian do chiến tranh. Sau này tôi mới khôi phục lại nghề. Tôi đã phát triển nhiều mặt hàng, trên cơ sở truyền thống. Và thật tự hào khi sản phẩm bánh mứt kẹo truyền thống của Hà Nội, của Việt Nam không chỉ được yêu thích ở thị trường trong nước mà còn vươn xa cả nước ngoài. Đặc biệt, tháng 12/2014, sản phẩm bánh cốm đã ra được thị trường Bắc Mỹ.

"Chúng tôi đã bứt ra khỏi làng nghề, dám đầu tư, dám thay đổi công nghệ để “vươn ra biển lớn”. Đứng trước sự cạnh tranh, thách thức rất lớn, chúng tôi đã thay đổi rất nhiều cả về quy mô, công nghệ, quản trị để nâng tầm mình lên. Và sự nỗ lực này đã giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển, cạnh tranh được với sản phẩm ngoại", bà Ngô Thị Tính chia sẻ.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh bày tỏ khó khăn khi các doanh nghiệp thủ công, truyền thống phải tiếp cận với công nghệ để sản phẩm ngày càng tốt hơn. Và cũng như tâm tư của nhiều doanh nhân ngành thủ công truyền thống, bà mong muốn nhận được sự hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhìn nhận, cần tiến hành rà soát kỹ lưỡng các vấn đề mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt; bảo đảm không gian tự do phát triển thuận lợi nhất để mọi người dân và doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân giải phóng mọi tiềm năng. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đối với quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật của chính quyền các cấp...

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ho-tro-cac-doanh-nghiep-thu-cong-truyen-thong-tiep-can-voi-cong-nghe-183143.html
Zalo