Huyện Phúc Thọ: hướng đến 'nông nghiệp thuận thiên'
Sau 3 năm triển khai, đề án 'Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Phúc Thọ giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo' đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần chuyển đổi các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện theo hướng giá trị cao và bền vững.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thị trấn Phúc Thọ Nguyễn Văn Chương, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thị trấn nói riêng đã được đưa vào sử dụng hiệu quả. Dù vậy, có một khó khăn hiện nay là người dân còn bị động trong việc sử dụng những diện tích đất nông nghiệp đã được quy hoạch để phát triển đô thị.
Cùng với nhiều diện tích đất nông nghiệp đang vướng quy hoạch, hạ tầng sản xuất nông nghiệp hiện cũng là vấn đề được quan tâm. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thuận Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hệ thống trạm bơm, mương tưới tiêu dẫn đến kênh Tây Ninh đang xuống cấp. Người dân mong muốn TP và huyện xây dựng các phai điều tiết để sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Tích Giang Nguyễn Đức Chung chia sẻ, hiện nay trên địa bàn xã còn hơn 17km đường giao thông nội đồng là đường đất, khó khăn cho việc đi lại, sản xuất nông nghiệp. Thị trường tiêu thụ hoa hiện cũng khá trầm lắng. Do đó, chính quyền và Nhân dân mong muốn TP và huyện tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngành hàng hoa, cây cảnh…
Chung quan điểm, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn Trần Đức Tài đánh giá chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Phúc Thọ đã thúc đẩy chuyển dịch kinh tế nông thôn trên địa bàn xã, góp phần hình thành vùng chuyên canh hoa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.
Mặc dù vậy, để nâng cao hiệu quả nghề trồng hoa, ông Tài kiến nghị các phòng ban chuyên môn của huyện tiếp tục quan tâm, hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục đầu tư khu sơ chế hoa; đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí nâng cấp đồng bộ giao thông thủy lợi nội đồng, nhất là tại những vùng chuyên canh.
Kịp thời hỗ trợ nông dân
Qua gần 3 năm thực hiện, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nhưng giá trị lớn nhất là đề án đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, những lợi ích của việc thay đổi phương thức tổ chức sản xuất. Những mô hình nông nghiệp mới theo hướng chuyên canh, tập trung xuất hiện ngày một nhiều hơn với sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế.
Liên quan đến một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục phân bổ nguồn lực để từng bước tháo gỡ. Huyện cũng giao các phòng ban cử cán bộ chuyên môn tăng cường xuống cơ sở, ghi nhận khó khăn để hướng dẫn người dân.
Ông Lê Văn Thu cũng nhấn mạnh, định hướng đầu tư “thuận thiên”, mùa nào thức nấy, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, trong năm 2025, sẽ tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời đẩy mạnh các mô hình liên kết trong canh tác nông nghiệp thuận thiên, bền vững.
Theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn, đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Phúc Thọ giai đoạn 2022 - 2025” thể hiện quyết tâm và khát khao lớn của huyện, với mong muốn tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người nông dân.
Yêu cầu đặt ra, theo ông Hoàn, là hiệu quả lâu dài của đề án. “Nếu là trồng hoa thì 4 mùa phải có hoa. Có như vậy mới phát triển được du lịch. Mà muốn phát triển du lịch lại cần chú trọng sản xuất sạch” - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Doãn Hoàn nêu ví dụ dẫn chứng cho định hướng.
Thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Doãn Hoàn đề nghị UBND huyện, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tiếp tục lắng nghe người nông dân, chủ thể sản xuất - kinh doanh để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang là rào cản phát triển. Nội dung nào vượt quá thẩm quyền của huyện, cần chủ động xin ý kiến, đề xuất các sở ngành của TP để hỗ trợ tháo gỡ kịp thời.