Nông dân Hà Quảng giúp nhau phát triển kinh tế
Hội Nông dân huyện Hà Quảng triển khai nhiều dự án với những chính sách ưu đãi giúp các hội viên (HV) phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Hội Nông dân huyện hiện có 12.003 HV, trong năm 2024 các cấp hội phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăn nuôi trâu, bò sinh sản được 42 lớp cho trên 2.000 HV; tập huấn đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cải thiện vệ sinh hộ gia đình cho 258 HV; tổ chức 3 lớp tuyên truyền không sử dụng thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc cho 150 HV; thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo theo Quyết định 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 666/1.134 hộ đã thực hiện xây mới và sửa chữa... Bên cạnh đó các HV hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 64 con bò sinh sản và 91 con lợn giống của Dự án Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cấp phát 7.152 kg phân NPK hữu cơ cho 123 HV; Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 799 tặng 58 con lợn nái và 5,8 tấn cám cho một số hộ khó khăn; cung ứng 463 tấn phân bón trả chậm cho HV; cung ứng 16.763 tấn giống cho HV; hỗ trợ 50.400 cây ớt giống cho xã Cần Yên để thực hiện mô hình...
Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện cho 373 HV vay với tổng số tiền trên 7,8 tỷ đồng để thực hiện 40 dự án chăn nuôi, trồng trọt tại các xã, thị trấn; Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh hỗ trợ 62 hộ thực hiện 6 dự án với số tiền trên 2,7 tỷ đồng...; tín chấp với ngân hàng cho 2.517 HV nông dân vay với tổng số tiền trên 200 tỷ đồng.
Chị Đàm Thị Thảo, xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà là một trong những HV nông dân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, cho biết: Trước đây gia đình tôi chủ yếu trồng ngô, lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhận thấy nguồn nước, khí hậu ở địa phương phù hợp với việc nuôi cá lạnh, đặc biệt là cá tầm sẽ phát triển tốt hơn vì nhiệt độ của địa phương thấp hơn vùng khác, hơn nữa nguồn nước lại sạch, không bị ô nhiễm, phù hợp với việc nuôi cá tầm nên năm 2017 sau khi tham quan mô hình nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa (Lào Cai), gia đình tôi đầu tư 200 triệu đồng xây dựng hạ tầng với diện tích trang trại trên 750 m2, lắp đặt hệ thống máy bơm, đường ống dẫn nước, mua cá giống, thức ăn. Qua nhiều lần thất bại và đúc kết được kinh nghiệm đến nay, trại cá tầm có 10 bể cá, nuôi 4.000 - 5.000 con cá mỗi năm, sản lượng đạt khoảng 5 - 7 tấn. Giá cá tầm thương phẩm hiện nay dao động từ 250 - 300 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Được sự hỗ trợ của huyện, gia đình xây dựng nhà màng với diện tích hơn 1.000 m2 để thực hiện mô hình trồng dưa lưới để tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Từ năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, quyết tâm tìm tòi và đưa vào thử nghiệm, nhân rộng các loại giống cây, con mới vào sản xuất của nhiều HV đã góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn, từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã chuyển đổi nghề nghiệp sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp như mô hình dệt thổ cẩm, mô hình trồng ớt, dưa lưới trong nhà màng, nuôi lợn đen, nuôi cá tầm, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, trâu bò vỗ béo, nuôi ốc ruộng tại các xã, thị trấn..., góp phần giúp nhiều hộ mở rộng quy mô sản xuất, tập trung xây dựng thương hiệu trở thành sản phẩm chủ lực, có tính cạnh tranh cao trên thị trường qua đó nâng cao đời sống của HV. Đến nay, toàn huyện có 1.779 HV đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó 9 hộ đạt cấp Trung ương, 23 hộ đạt cấp tỉnh, 85 hộ cấp huyện và 1.662 hộ đạt cấp cơ sở.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hà Quảng Nông Văn Nhất, cho biết: Thời gian tới Hội huyện tiếp tục vận động, hỗ trợ HV tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng an toàn thực phẩm; khuyến khích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc tham gia truyền nghề, đào tạo, bồi dưỡng nghề cho các hộ nông dân khác phát triển; hỗ trợ nông dân xây dựng, nhân rộng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao; hỗ trợ HV phát triển các mô hình hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và hộ nông dân, giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, giữa hợp tác xã với hộ nông dân, giữa các hộ nông dân để sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tạo điều kiện cho nông dân vay vốn..., góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.