EU thay đổi quy định về nhập khẩu sản phẩm
Quy định (EU) 2023/988 về an toàn sản phẩm có hiệu lực từ ngày 13/12/2024 mở ra nhiều cơ hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Liên minh châu Âu.
Quy định (EU) 2023/988 về an toàn sản phẩm nói chung, còn gọi là Quy định chung về an toàn sản phẩm (GPSR), có hiệu lực từ ngày 13/12/2024, thay thế Chỉ thị chung về an toàn sản phẩm trước đây.
GPSR áp dụng đối với tất cả các sản phẩm tiêu dùng, bao gồm sản phẩm mới, sản phẩm đã qua sử dụng, đã sửa chữa hoặc tân trang, cũng như các sản phẩm được bán trực tuyến. Tuy nhiên, một số sản phẩm được miễn trừ khỏi quy định này, chẳng hạn như thuốc, thực phẩm, động vật sống, đồ cổ và các sản phẩm được đánh dấu rõ ràng là cần sửa chữa trước khi sử dụng.
Một trong những thay đổi đáng chú ý của GPSR là việc tăng cường đánh giá rủi ro và trách nhiệm giải trình trong suốt vòng đời sản phẩm. Các chủ thể kinh tế, bao gồm nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối và các nền tảng trực tuyến, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu an toàn.
Nhà sản xuất có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm an toàn ngay từ khâu thiết kế, thực hiện phân tích rủi ro, cung cấp tài liệu kỹ thuật liên quan, và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng nếu phát hiện sản phẩm nguy hiểm. Nhà nhập khẩu phải kiểm tra các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, đảm bảo chúng tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn. Nhà phân phối cần giám sát và phối hợp để loại bỏ các sản phẩm không đạt yêu cầu.
Đối với các nền tảng trực tuyến, GPSR đưa ra các yêu cầu cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn các sản phẩm được bán qua kênh này. Các nền tảng phải có quy trình kiểm tra nội bộ, đảm bảo chỉ những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn mới được bày bán. Đồng thời, họ phải nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng khi có yêu cầu thu hồi hoặc cảnh báo sản phẩm.
Quy định cũng trao thêm quyền hạn cho các cơ quan chức năng quốc gia trong việc giám sát thị trường. Hệ thống cảnh báo nhanh RAPEX, nay được đổi tên thành "Safety Gate" (Cổng an toàn), sẽ là công cụ chính để chia sẻ thông tin về các sản phẩm nguy hiểm và phối hợp xử lý rủi ro giữa các quốc gia EU.
Ngoài việc giám sát và xử lý sản phẩm không an toàn, GPSR còn yêu cầu các chủ thể kinh tế đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong vòng 6 năm và lưu giữ thông tin liên quan đến rủi ro, khiếu nại hoặc biện pháp khắc phục trong 10 năm. Trong trường hợp thu hồi, các doanh nghiệp phải thông báo rõ ràng và kịp thời cho người tiêu dùng, đồng thời cung cấp ít nhất hai lựa chọn khắc phục như sửa chữa, thay thế sản phẩm hoặc hoàn tiền.
Việc GPSR có hiệu lực không chỉ nâng cao tiêu chuẩn an toàn sản phẩm trên toàn EU mà còn tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và bền vững hơn. Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng và củng cố niềm tin vào thị trường chung châu Âu.