Nông dân Giẻ Triêng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình
Xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) có 98% dân số là đồng bào Giẻ Triêng. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng người dân xã Đăk Dục đã không ngừng nỗ lực, chung tay bảo tồn, giữ gìn các bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, những nét đẹp văn hóa của bà con Giẻ Triêng đã phát huy các giá trị trong đời sống hàng ngày của dân làng nơi đây.
Thời gian qua, bà con Giẻ Triêng cùng chính quyền xã Đăk Dục phấn khởi khi “Nhà trưng bày nhạc cụ dân tộc Giẻ Triêng” được bàn giao. Nhà trưng bày được xây dựng trong khuôn viên của già làng, nghệ nhân Brol Vẻ - người đam mê, sưu tầm, gắn bó với các nhạc cụ văn hóa dân tộc Giẻ Triêng. Già Brol Vẻ chia sẻ: "Trước đây, tôi có một ngôi nhà ván cũ kỹ, trưng bày các nhạc cụ, các sản phẩm văn hóa của người Giẻ Triêng. Nhiều du khách, bạn bè gần xa đến chơi, tôi đều dẫn họ vào tham quan. Dù hơi tối, hơi cũ, nhưng nhiều người vẫn bị vẻ đẹp, sức hút của các nhạc cụ lôi cuốn. Giờ đây, được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cho ngôi nhà sàn để trưng bày các sản phẩm, tôi phấn khởi lắm. Bởi khách đến chơi, tôi tự tin mở cửa cho họ tham quan, nhà cao ráo, thông thoáng, được lắp đặt bóng đèn, buổi tối vẫn xem rõ".
Ông Bloong Hâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục cho biết: Vừa qua, xã được huyện hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng một nhà trưng bày các nhạc cụ, sản phẩm văn hóa của dân tộc Giẻ Triêng. Với số tiền trên thực sự để dựng được căn nhà kiên cố rất khó, chính vì thế, xã đã mua lại căn nhà bằng ván của người dân, sau đó đổ các trụ bê tông thay thế cột nhà sàn. Cùng với đó, xã vận động người dân đóng góp gần 100 ngày công để xây dựng nhà trưng bày. Giờ đây, các du khách đến tham quan, tìm hiểu các giá trị bản sắc văn hóa của người Giẻ Triêng có thể đến nhà trưng bày và trực tiếp ngắm, trải nghiệm 23 loại nhạc cụ đang trưng bày tại đây. “Để nhạc cụ đa dạng về chủng loại và số lượng, trên địa bàn xã vẫn còn 68 người biết và duy trì chế tác nhạc cụ như đàn m’bin, đàn pin pui, ha tút, sáo... Bên cạnh đó, xã vẫn còn nhiều người giữ các nghề truyền thống của người Giẻ Triêng giúp bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây đang được bảo tồn và phát huy” – ông Bloong Hâm cho biết thêm.
Để chứng thực, cán bộ văn hóa xã đưa chúng tôi đến nhà bà Y Két (66 tuổi), ở thôn Đăk Si. Trước hiên nhà, bà Y Két cùng một số hàng xóm quây quần, dàn sợi màu lên khung dệt. Bà Y Két tâm sự: "Từ xưa tới nay, những lúc nông nhàn, tôi lại mang khung ra dệt. Dệt với phụ nữ Giẻ Triêng như cái nghề, như một niềm vui, công việc tất yếu trong cuộc sống. Những chiếc túi lên rẫy, chiếc váy diện lễ hội... đều do tự tay tôi dệt. Không chỉ riêng tôi, mà hầu hết phụ nữ ở đây vẫn yêu nghề dệt. Chỉ cần một thời gian không dệt, tôi lại nhớ nghề, lại lọ mọ vào góc nhà lôi khung cửi ra dệt để ăn ngon, ngủ yên".
Không riêng nghề dệt, mà đan lát vẫn được bà con Giẻ Triêng nơi đây giữ gìn. Trời ngả về chiều, tôi tiếp tục cùng anh cán bộ văn hóa xã đến nhà ông A Lếu (67 tuổi), ở thôn Đăk Si. Sau khi kết thúc một ngày làm việc, ông A Lếu lại miệt mài cùng con dao nhỏ sắc lẹm chuốt từng chiếc nan để hoàn thiện những phần cuối cùng của chiếc gùi đang đan dở dang. Ông A Lếu chia sẻ: "Với người Giẻ Triêng ngày xưa, phụ nữ phải biết dệt, còn đàn ông phải biết đan lát. Chiếc gùi là vật bất ly thân mỗi khi người Giẻ Triêng lên rẫy, vào rừng. Chiếc gùi như người bạn gắn bó thân thiết, giúp bà con đựng vật dụng, nông sản rừng... Cùng với gùi, người Giẻ Triêng còn đan túi, các vật dụng gia đình khác"...
Ông Bloong Hâm cho biết: "Hiện tại, trên địa bàn xã Đăk Dục có 68 người đang duy trì nghề dệt, khoảng 70 người vẫn duy trì nghề, đan lát 10 thợ rèn làm các dụng cụ lao động, 30 người duy trì nghề nấu rượu cần, 45 người chế tác nỏ, 11 người làm thịt heo gác bếp, 3 người giữ nghề tạc tượng. Trong thời gian qua, UBND xã đã phối hợp Trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên huyện cùng đội nghệ nhân thôn Đăk Răng mở 2 lớp học, trong đó, có 1 lớp dạy làm du lịch cộng đồng với 29 học viên tham gia và 1 lớp dạy đánh cồng chiêng với 8 học viên tham gia".
“Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền cho người dân giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc; phối hợp với các gia đình, nghệ nhân trong xã vận động các thế hệ trẻ tham gia các lớp truyền dạy văn hóa, học hỏi làm nhạc cụ, nghề truyền thống từ ông bà, cha mẹ để bản sắc văn hóa dân tộc Giẻ Triêng tiếp tục được duy trì và phát huy trong tương lai” - ông Bloong Hâm cho hay.