Giữ gìn nghề đan mây, tre quê nhà

Không biết nghề đan mây tre hình thành từ bao giờ, nhưng bà Phạm Thị Rí ở ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vẫn giữ nghề truyền thống của gia đình gần 50 năm qua. Bà cho biết, Đức Hòa là nơi có nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, ngày xưa từ trẻ nhỏ cho đến người lớn tuổi đều tập tành đan đát theo cha mẹ và nhiều người vẫn gắn bó với nghề đến khi già.

Ở độ tuổi U70 nhưng ngày ngày bà Rí ở ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa vẫn cặm cụi, tỉ mỉ ngồi đan những chiếc nia để bán cho những tiểu thương ở chợ.

Nguyên liệu đan đát chủ yếu từ tre, trúc được trồng quanh vườn nhà hoặc mua từ các tỉnh lân cận. Tre, trúc được chặt xuống rồi cưa thành từng đoạn, tùy theo kích thước sản phẩm và chẻ nhỏ ra thành từng nan để đan. Theo bà Rí, nghề đan lát không phức tạp, không gò bó thời gian, vốn không nhiều, chủ yếu lấy công làm lời.

Để duy trì và phát triển nghề truyền thống đan mây tre, địa phương đã thành lập 2 tổ đan đát với khoảng 120 thành viên tham gia. Mỗi thành viên được hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp ban đầu để tiếp tục nghề đan đát của gia đình.

Nghề đan mây tre ở Đức Hòa góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Để giữ nghề truyền thống này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần cho những giá trị truyền thống tồn tại đến mai sau.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Mỹ Tho - Hữu Bình

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/giu-gin-nghe-dan-may-tre-que-nha-245102.htm
Zalo