Nỗi xấu hổ của thương hiệu siêu anh hùng đình đám
'Captain America: Brave New World' được kỳ vọng vực dậy thương hiệu siêu anh hùng về Đội trưởng Mỹ sau nhiều năm vắng bóng. Đáng tiếc, bom tấn lại bị chê tơi tả vì kịch bản cũ kỹ, cách dẫn chuyện đi vào lối mòn.
Captain America: Brave New World là bom tấn khởi động Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) trong năm nay, với nhiều tình tiết hứa hẹn thay đổi cục diện của thế giới siêu anh hùng và mở ra kỷ nguyên mới cho MCU.
Dự án được chờ đợi vì đánh dấu sự trở lại của thương hiệu Captain America sau chín năm kể từ Captain America: Civil War (2016). Đồng thời, đây cũng là lần đầu series vắng mặt Chris Evans - người gắn liền hình tượng Captain America suốt nhiều năm qua – nên càng khiến khán giả tò mò.
Khi Chris Evans không còn là Đội trưởng Mỹ
Chuyện phim nối tiếp những sự kiện diễn ra trong series The Falcon and the Winter Soldier (2021), xoay quanh nhân vật chính Sam Wilson (Anthony Mackie).
Sau khi Steve Rogers (Chris Evans) từ bỏ chiếc khiên siêu anh hùng, Sam Wilson chính thức trở thành Captain America với sứ mệnh bảo vệ công lý, liên tục đối mặt với những thách thức mới.
Trung úy Joaquin Torres (Danny Ramirez) thì trở thành Falcon – đồng hành và hỗ trợ Captain America trong những nhiệm vụ đầy thử thách.
Trong khi đó, nước Mỹ cũng đang trải qua nhiều biến động khi tướng Ross (Harrison Ford) đắc cử tổng thống, mang đến những chính sách cứng rắn và tham vọng hợp tác với Captain America để duy trì trật tự lẫn quyền lực.
Song, một âm mưu ám sát tổng thống đang được bí mật thực hiện, khiến Sam Wilson phải ra sức ngăn chặn và đối mặt với những kẻ thù nguy hiểm.

Tạo hình của Anthony Mackie trong vai chính Sam Wilson.
Phim có kịch bản đơn giản, đan cài nhiều âm mưu, mâu thuẫn chính trị với những pha hành động căng thẳng để dẫn dắt hành trình của Captain America mới.
Ngồi ghế đạo diễn là Julius Onah - từng làm The Cloverfield Paradox (2018). Nhà làm phim gặp nhiều áp lực vì các phần trước của Captain America đều được đánh giá cao, nhất là hai phần gần nhất giúp khẳng định tên tuổi của bộ đôi Anthony Russo và Joe Russo.
Kinh phí sản xuất lên đến 180 triệu USD chủ yếu được đầu tư mạnh vào phần nhìn. Ê-kíp tiếp tục mang đến người xem các phân cảnh hành động mãn nhãn, đặc biệt là những trận không chiến kịch tính của Captain America.
Điểm nhấn của phim là màn đối đầu căng thẳng giữa nhân vật chính với Red Hulk – phản diện chính được giới thiệu từ trước, nổi tiếng với sức mạnh hủy diệt và sự cuồng nộ cao gấp nhiều lần “gã khổng lồ xanh” Hulk.
Phải nói rằng nhà Marvel đã rất cố gắng để hình ảnh Captain America của Anthony Mackie khác biệt so với Chris Evans. Thay vì là người hùng cơ bắp, nhân vật được xây dựng theo hướng gần gũi và thực tế hơn.
Nhưng vì là người phàm, Sam Wilson cũng gặp nhiều hạn chế so với các siêu anh hùng sở hữu sức mạnh trời ban. Điều đó phần nào làm cho các cảnh chiến đấu trong phim thiếu sự bùng nổ, đôi lúc còn hụt hơi.




Một vài hình ảnh trong phim.
Nhiều hạn chế nên bị chê tơi tả
Như các phim khác thuộc MCU, Captain America 4 cũng quy tụ đông đảo dàn sao với khả năng nhập vai tốt, giúp bộ phim thêm phần cuốn hút. Hơn nữa, các diễn viên vốn đã quen thuộc với nhân vật của mình qua nhiều dự án nên không gặp khó khăn khi đóng phim.
Song, Anthony Mackie chưa mang đến nhiều bất ngờ khi tiếp tục vào vai Sam Wilson. Màn trình diễn của anh vẫn hơi lép vế so với đồng nghiệp Chris Evans, phần nào khiến hình tượng Captain America mới thiếu đi sự mạnh mẽ và chiều sâu cảm xúc như kỳ vọng.
Bên cạnh Anthony Mackie, các ngôi sao khác đều tròn vai. Ấn tượng nhất phải là tài tử Harrison Ford trong vai tướng Ross, hay Red Hulk.
Nam diễn viên gạo cội mang đến một hình ảnh Thaddeus Ross đầy quyền lực, cứng rắn và mưu lược. Khi hóa thân thành Red Hulk, Harrison Ford còn gây sốc với sự dữ dội và tàn bạo của nhân vật, tạo nên một đối thủ đáng gờm cho Captain America.
Đáng tiếc, khi ra mắt Captain America 4 không được các nhà phê bình đón nhận nồng nhiệt. Phim bị xếp loại “Thối” trên Rotten Tomatoes với 52 % bình chọn tích cực từ giới chuyên môn.
Thành tích này khiến dự án trở thành nỗi xấu hổ của Marvel, nằm trong top 3 bộ phim bị đánh giá thấp nhất MCU, nối gót Eternals (2021) và Ant-Man and the Wasp: Quantumania (2023).

Sự xuất hiện của Harrison Ford là điểm sáng hiếm hoi của phim.
Phần lớn đánh giá thấp tác phẩm vì kịch bản rời rạc, thiếu sự đột phá, phát triển nhân vật hời hợt, chưa đủ chiều sâu. Ngoài ra, các phân cảnh hành động hơi lạm dụng kỹ xảo khiến bộ phim thiếu sự chân thực và giảm cảm xúc.
Phản diện cũng được xây dựng chưa tới. Ban đầu, gã được giới thiệu đầy nguy hiểm và đứng sau giật dây nhiều âm mưu bí mật, nhưng càng về sau lại càng mờ nhạt và thiếu sức nặng, động cơ cũng chưa rõ ràng.
Hơn nữa, đây là phần phim thứ 35 của MCU nên người xem cần phải nắm được nhiều thông tin, diễn biến trước đó để hiểu rõ mạch truyện, nếu không sẽ cảm thấy rối rắm và khó nắm bắt.
Nhìn chung, Captain America 4 chưa tạo ra nhiều đột phá so với các phần phim trước đó, lại vay mượn ý tưởng từ nhiều dự án trong MCU, mỗi thứ một chút.
Tác phẩm tiếp tục cho thấy dòng phim siêu anh hùng chưa thể thoát khỏi “vũng lầy” với kịch bản ít sáng tạo, lạm dụng công thức quen thuộc.