Nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Bài cuối
QUYẾT LIỆT CHỐNG “GIẶC DỊCH”
BPO - Ngay từ khi Việt Nam ghi nhận ca dương tính với Covid-19 đầu tiên, song song với triển khai nhiều biện pháp phòng dịch, đảm bảo sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, đặc biệt là lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, các đơn vị Bộ đội biên phòng Bình Phước đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phương pháp để phòng bệnh hiệu quả đến từng người, từng hộ dân trên địa bàn.
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG
Bình Phước có 124 thôn, ấp biên giới. Đời sống nhân dân khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, 27% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều. Đại úy Nguyễn Thế Thuật, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Tân Thành cho biết: Ý thức phòng chống dịch bệnh của một bộ phận người dân trên tuyến biên giới chưa cao, còn chủ quan. Họ thường đi làm rẫy xa, ít khi về. Địa bàn quản lý rộng, trong khi lực lượng “mỏng”. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nên dù khó đến mấy cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng sẽ “đi tận ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người” để phát tờ rơi tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời triển khai cho lực lượng tới địa bàn phát khẩu trang, hướng dẫn nhân dân, đặc biệt là người già và trẻ em thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, ăn chín, uống sôi, không tiếp xúc với động vật hoang dã.
Bà Võ Thị Chúng ở ấp Tân Phong, xã Tân Thành (Bù Đốp) chia sẻ: “Tôi buôn bán ở gần khu vực biên giới, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. Qua các phương tiện truyền thông và sự hướng dẫn cụ thể của bộ đội Đồn biên phòng Tân Thành nên bản thân cũng ý thức thực hiện đúng theo hướng dẫn, thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn với mọi người. Thấy các chú bộ đội biên phòng bận rộn ngày đêm canh giữ bảo vệ biên giới nhưng vẫn nhiệt tình đến từng nhà phát tờ rơi, hướng dẫn phương pháp để bảo vệ sức khỏe lại còn chia sẻ khẩu trang cho bà con nữa. Chúng tôi rất cảm động!”.
Từ đầu tháng 2 đến nay, lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền được 133 buổi với gần 3.000 lượt người nghe, phát gần 15.000 tờ rơi tuyên truyền, hơn 17.800 khẩu trang cho hành khách qua lại cửa khẩu và nhân dân; đồng thời phối hợp địa phương tổ chức phun thuốc phòng dịch tại 20 điểm trường học và khu dân cư trên địa bàn biên giới. Các đơn vị đã chủ động đảm bảo 100% khẩu trang và nước sát khuẩn cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh.
CẦN LẮM SỰ CHUNG TAY
Từ sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra bắt đầu bùng phát khó kiểm soát ở Vũ Hán, Trung Quốc, lan sang hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và khi Việt Nam ghi nhận những ca dương tính với Covid-19 đầu tiên, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta bắt gặp nhiều hình ảnh, câu chuyện đầy cảm động về những người ở tuyến đầu chống dịch. Đó là các y, bác sĩ, là lực lượng quân đội, công an. Họ lấy hành lang bệnh viện làm nơi chợp mắt, ăn cơm hộp, ngủ giữa trời sương lạnh giá.
Với các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng Bình Phước, khi thực hiện nhiệm vụ chốt chặn dọc tuyến biên giới, đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ) cũng sống trong điều kiện thiếu thốn về nhiều mặt. Thiếu tá Nguyễn Trường Sơn, Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu chia sẻ: Để thực hiện tốt nhiệm vụ và bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đơn vị cử 1 chiến sĩ hằng ngày làm nhiệm vụ chở nước sạch và lương thực, thực phẩm cho các tổ chốt trên biên giới đảm bảo tươi sống, đủ dinh dưỡng. Song trong điều kiện khí hậu nắng nóng như hiện nay, các chiến sĩ nấu giữa rừng, ăn giữa rừng, ngủ võng trong lán dã chiến, phải thay nhau tuần tra, canh gác liên tục, nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bộ đội. “Vì đoạn biên giới dài, trong khi lực lượng lại “mỏng”, anh em trong tổ chốt vừa gác vừa thay phiên nhau tuần tra dọc tuyến liên tục nên thời gian nghỉ ngơi rất ít” - Trung úy Lê Văn Trường, cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ tại điểm chốt số 3, Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu cho hay.
Đại úy Đỗ Xuân Thủy, Trạm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư chia sẻ: Tình hình dịch bệnh ở phía Campuchia diễn biến phức tạp, lượng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống trở về nước tăng nhiều, trong khi đơn vị chưa được trang cấp các trang thiết bị bảo hộ cần thiết để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho những cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu. Ngoài thực hiện tự cách ly tại chỗ, đơn vị cũng động viên cán bộ, chiến sĩ tại trạm phải thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang cũng như tăng cường hoạt động thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe. Đồng thời, quán triệt cán bộ, nhân viên trong quá trình làm thủ tục nhập cảnh phải kiên nhẫn tuyên truyền, vận động, giải thích để hành khách hiểu được các chính sách và tuân thủ đúng quy định.
Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. Mặc dù các đơn vị vẫn đủ để đảm bảo cho 100% cán bộ, chiến sĩ dùng, song số lượng còn lại rất ít, trong khi trên địa bàn mặt hàng này rất khan hiếm hoặc nếu có thì giá cả cũng rất đắt, nguồn quỹ vốn đơn vị có hạn.
Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, chân tay còn đầy những vết đốt của ve, của muỗi nhưng các anh vẫn quên mình chốt chặn trên biên giới 24/24 giờ. Những tổ công tác “đặc biệt” không kể ngày đêm vận động, hướng dẫn từng người dân nâng cao ý thức phòng dịch, tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Thế nhưng, mọi nỗ lực của một ngành chưa đủ, phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các ngành liên quan. Vì vậy rất cần có sự chung tay của các cá nhân, tổ chức và cả cộng đồng thì việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh qua biên giới mới đạt hiệu quả cao.