Làng nghề bánh tráng tiền tỷ ở Đắk Lắk: Tất bật vụ Tết, thấp thỏm vì thời tiết

Những ngày cuối năm, không khí tại làng nghề bánh tráng ở Đắk Lắk tất bật và hối hả. Các cơ sở sản xuất nơi đây làm việc hết công suất để tăng gấp đôi sản lượng so với ngày thường.

Nhộn nhịp không khí cuối năm tại làng nghề

Từ sáng sớm tinh mơ, không khí nhộn nhịp đã bao trùm các cơ sở làm bánh tráng trên địa bàn xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk).

Các hộ làm bánh tráng ở xã Ea Bar chủ yếu là những người Bình Định di cư đến đây sinh sống từ năm 1982. Trải qua hơn 40 năm, địa phương đã hình thành một làng nghề bánh tráng với hơn 80 hộ tham gia sản xuất.

Không khí nhộn nhịp tại nghề làm bánh tráng ở Ea Bar vào những ngày cuối năm.

Không khí nhộn nhịp tại nghề làm bánh tráng ở Ea Bar vào những ngày cuối năm.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhi (SN 1982), một trong những hộ làm bánh tráng gia truyền tại thôn 6 (xã Ea Bar) chia sẻ: "Năm 1982, bố mẹ tôi di cư từ tỉnh Bình Định lên đây và mang theo nghề làm bánh tráng. Khi lớn lên, tôi kế nghiệp của gia đình. Trước đây, mọi hoạt động từ xay gạo đến tráng bánh đều thực hiện thủ công. Mỗi ngày, gia đình tôi phải tráng bánh từ 3h sáng đến 5h chiều, nhưng chỉ tráng được 30-40kg bột gạo".

Những năm gần đây, nhu cầu khách hàng đặt mua bánh tráng tăng cao, gia đình chị Nhi đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng mua máy móc và thiết bị, cùng hàng trăm cái vỉ, để mở rộng quy mô sản xuất nhằm tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm.

Chị Nhi cho biết: "Việc tráng bánh bằng máy không chỉ giảm đáng kể sức lao động mà còn nâng cao sản lượng rất nhiều so với thủ công. Mỗi ngày, gia đình tôi tráng được 200kg bột gạo, chỉ mất 3 tiếng vào buổi sáng (từ 4-7h sáng). Thời gian còn lại, mọi người trong gia đình thay nhau phơi, thu, cắt bánh và đóng bao để giao cho thương lái".

Những vỉ bánh tráng được phơi khắp các hàng rào.

Những vỉ bánh tráng được phơi khắp các hàng rào.

Nhờ việc đưa máy móc vào sản xuất, mỗi tháng gia đình chị Nhi xuất bán khoảng 4 tấn bánh tráng, con số này tăng lên 6 tấn vào dịp Tết Nguyên đán. Sau khi trừ các chi phí, gia đình chị thu nhập khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng.

Cách nhà chị Nhi chưa đầy chục mét, khoảng 8 năm trở lại đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Quyên (SN 1980, trú tại thôn 6) cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất bánh tráng.

Được biết, chỉ riêng tháng cuối năm, gia đình chị sản xuất khoảng 8 tấn bánh tráng, gồm 3 loại: bánh vuông lớn, bánh mè đen và bánh gói. Nhờ vậy, sau khi trừ các khoản chi phí và tiền công, gia đình chị thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong không khí hối hả tại xưởng sản xuất, đôi tay chị Quyên thoăn thoắt lột từng cái bánh trên vỉ ra, xếp gọn gàng vào khuôn. Chị Quyên chia sẻ: "Nghề làm bánh tráng được người dân thực hiện quanh năm, nhưng sôi động nhất vẫn là vào vụ Tết. Thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ bánh tráng tăng cao nên chúng tôi phải làm việc hết công suất để có đủ hàng phục vụ khách hàng".

Bánh tráng sau khi phơi được đưa vào để cắt.

Bánh tráng sau khi phơi được đưa vào để cắt.

Theo đó, mỗi ngày, gia đình chị Quyên sử dụng khoảng 4 tạ bột gạo để tráng bánh. Không chỉ huy động tối đa nhân lực trong nhà, mỗi ngày gia đình chị còn thuê thêm 12 lao động tại địa phương để đáp ứng khối lượng công việc.

Tương tự, lò bánh tráng của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân Hoa (SN 1972, trú tại thôn 7, xã Ea Bar) cũng bắt đầu hoạt động từ 3h sáng. Bà Hoa cho biết, những ngày thường, gia đình chỉ sử dụng 100kg bột gạo mỗi ngày để tráng bánh. Tuy nhiên, vào vụ Tết, con số này tăng lên từ 200-300kg mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao.

Bánh tráng được xếp ngăn nắp vào khuôn.

Bánh tráng được xếp ngăn nắp vào khuôn.

Doanh thu cao nhưng cũng nhiều khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình sản xuất, nhiều chủ cơ sở làm bánh tráng tại xã Ea Bar vẫn không giấu được nỗi lo.

Ông Bùi Văn Khải (SN 1970, trú tại thôn 7, xã Ea Bar) chia sẻ: "Thời gian qua, giá gạo tăng cao nên chi phí sản xuất ngày càng tăng. Trong khi đó, giá bánh tráng vẫn ổn định từ 21-26.000 đồng/kg tùy loại bánh.

Hơn nữa, nếu pha bột quá loãng, việc tráng bánh bằng máy sẽ dễ bị hư hỏng, không tiêu thụ được. Trước những khó khăn đặt ra, gia đình tôi luôn phải cân nhắc kỹ lưỡng trong từng công đoạn sản xuất bánh tráng".

Bánh tráng được đưa vào máy để cắt.

Bánh tráng được đưa vào máy để cắt.

Ông Khải cho biết thêm: "Sau khi tráng, bánh phải được phơi 2 giờ dưới trời nắng thì mới đảm bảo chất lượng và mẫu mã đẹp. Vì vậy, quá trình làm bánh tráng, chúng tôi phải theo dõi sát sao diễn biến thời tiết. Nếu gặp mưa, toàn bộ số bánh sẽ bị hư hỏng. Để giảm thiệt hại đối với số bánh bị hỏng, các cơ sở phải phơi bánh cho khô rồi bán cho người dân địa phương với giá 5.000 đồng/kg để dùng làm thức ăn cho heo".

Những chiếc bánh tráng sau khi cắt.

Những chiếc bánh tráng sau khi cắt.

Việc làm bánh tráng phụ thuộc rất lớn vào thời tiết.

Việc làm bánh tráng phụ thuộc rất lớn vào thời tiết.

Nghề làm bánh tráng truyền thống đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea Bar nâng cao thu nhập.

Nghề làm bánh tráng truyền thống đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea Bar nâng cao thu nhập.

Trao đổi với Người Đưa Tin,ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch UBND xã Ea Bar, cho biết, các hộ làm bánh tráng trên địa bàn chủ yếu là người Bình Định. Năm 2012, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định công nhận làng nghề bánh tráng ở xã Ea Bar.

Theo ông Hùng, việc áp dụng máy móc vào sản xuất đã giúp các hộ dân nâng cao sản lượng và doanh thu từ nghề làm bánh tráng. 16 hộ làm bánh tráng bằng máy, mỗi năm sản xuất hơn 1.497 tấn sản phẩm, với doanh thu bình quân hơn 1,6 tỷ đồng/hộ/năm... Đối với những hộ làm bánh tráng thủ công, doanh thu bình quân đạt hơn 170 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa khang trang.

Ông Hùng cho biết thêm, ngoài các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk, hiện nay bánh tráng của xã Ea Bar đã được mở rộng thị trường tiêu thụ đến các tỉnh như: Đắk Nông, Phú Yên, Gia Lai và một số tỉnh phía Bắc... Nghề làm bánh tráng truyền thống cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lang-nghe-banh-trang-tien-ty-o-dak-lak-tat-bat-vu-tet-thap-thom-vi-thoi-tiet-204241224172056894.htm
Zalo