'Nơi nào có anh, nơi đó có tình yêu của em'
Sắp xếp quần áo và đồ dùng cho chồng chuẩn bị lên đơn vị sau dịp nghỉ Tết, chị Trương Thị Thiên, vợ của Thượng úy Nguyễn Văn Quỳnh, Đội trưởng Đội vũ trang, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An, Bộ đội Biên phòng TP Huế bịn rịn nắm tay anh không muốn rời xa. Hiểu được cảm xúc của vợ lúc này, anh ôm chị động viên: 'Anh đi thực hiện nhiệm vụ, em ở nhà giữ gìn sức khỏe, chăm bố mẹ và con thay anh!'.
Và rồi biết bao kỷ niệm đẹp thuở mới quen nhau lại ùa về trong dòng cảm xúc của cả hai.
Khi ấy, cả anh và chị đều là sinh viên năm thứ ba. Anh là học viên Học viện Biên phòng, còn chị là sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia. Trong lần gặp gỡ, giao lưu giữa sinh viên các trường đại học, anh chị gặp mặt nhau nhưng lại không có nhiều ấn tượng.
Đến năm cuối ra trường, qua bạn bè trên Facebook, vô tình chị biết anh có nhiều điểm giống mình: Cùng quê ở Cao Bằng, là người dân tộc Tày, lại là bạn cùng học phổ thông với chị bạn cùng xóm trọ. Nghe chị bạn kể tốt về anh, nhưng chị không để tâm bởi không định yêu bộ đội, sợ sau này lấy chồng xa nhà sẽ vất vả, hơn nữa, khoảng cách từ nhà anh đến nhà chị cũng không gần (anh ở huyện Quảng Hòa, chị ở huyện Nguyên Bình).
![Hạnh phúc của gia đình Thượng úy Nguyễn Văn Quỳnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_16_51423683/5f6807593e17d7498e06.jpg)
Hạnh phúc của gia đình Thượng úy Nguyễn Văn Quỳnh.
Thế nhưng qua những lần trò chuyện, anh Quỳnh tỏ rõ sự cảm mến và muốn tình cảm cả hai tiến triển sâu hơn. Thế nhưng mỗi lần anh tỏ tình đều bị chị khéo léo từ chối, phải kiên trì đến lần thứ 3 chị mới “xiêu lòng”. Thời điểm này, dịch Covid-19 bùng phát.
Nhớ lại, chị bảo: "Có lần tôi dậy rất sớm, nấu cơm, chuẩn bị những món ăn mà anh thích mang lên đơn vị thăm. Vậy mà khi lên đến nơi thì nhận được tin báo cấm trại, phải quay về mà không được gặp mặt. Dịp khác lên thăm anh, đứng xe buýt suốt 4 tiếng ròng, cũng chỉ được nhìn nhau vài phút qua cổng rồi tôi lại bắt xe về trường".
Ngày ra trường, anh nhận quyết định công tác ở đơn vị hiện nay.
Sau khi nghe tin, chị khóc nức nở, trong lòng ngổn ngang nghĩ khoảng cách địa lý cách xa nhau cả nghìn cây số, sợ rằng xa mặt sẽ cách lòng. Anh nhận công tác ở nơi mới sẽ có nhiều mối quan tâm hơn, nhiều cô gái xinh đẹp hơn chị. Khi ấy, bạn bè xúm lại khuyên chị suy nghĩ lại, bởi nếu có thành đôi thì chị cũng sẽ vất vả, bởi chồng quanh năm công tác xa nhà, cả thanh xuân nuôi con, chờ chồng một mình.
Trước những lời nhắc nhở ấy, ban đầu chị cũng thoáng suy tư. Nhưng với tình yêu và thử thách của cả hai trong suốt quãng thời gian qua khiến chị luôn tin tưởng ở anh và tình yêu mà họ dành cho nhau. Trước ngày anh vào Huế, chị bịn rịn nói: “Chỉ cần nơi nào có anh, nơi đó sẽ có bàn chân và tình yêu của em, anh hãy yên tâm công tác”.
Thế rồi, qua những cánh thư tay và chiếc điện thoại, tình yêu của anh chị ngày càng được bồi đắp. Chị nhẩm tính: “Từ ngày nhận lời yêu đến khi kết hôn, số lần chúng tôi gặp nhau thật ít ỏi. Sau khi anh ổn định công tác ở Huế được một năm, bố mẹ anh sang nhà tôi thưa chuyện và xin cưới, lúc ấy, cả hai mới được gặp lại nhau”.
Năm 2023, chị sinh cháu Nguyễn Trương Hải Thành, anh do yêu cầu nhiệm vụ không được về nhà. Rời phòng sinh, mẹ chị đưa điện thoại để vợ chồng và con gặp nhau, nói chuyện qua video. Chị bật khóc nức nở vì tủi thân. Nhưng được sự động viên của anh, của gia đình, người thân, chị lại mạnh mẽ động viên anh yên tâm thực hiện nhiệm vụ, ở nhà đã có bố mẹ hỗ trợ.
Những ai trong hoàn cảnh của chị mới thấm thía hết cảnh chồng thường xuyên xa nhà, phải nuôi con một mình. Chị nhớ lại ngày cậu con trai vừa được 4 tháng tuổi, nửa đêm sốt cao không dứt. Một mình chị vội vàng gọi xe bế con vào viện cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán con bị mắc Covid-19. Hoang mang, lo lắng khiến chị sút cân nghiêm trọng. Vậy mà mỗi khi anh gọi điện về, chị đều bảo mẹ con ở nhà vẫn ổn. Đến khi con ra viện, anh mới biết lý do tại sao trước đó, mỗi lần anh gọi video về đều thấy chị đeo khẩu trang, hoặc lấy lý do để không kết nối màn hình...
Đến nay, dường như đã quen với cuộc sống “Ngưu Lang-Chức Nữ”, một năm gặp nhau một lần. Năm nào không phải trực Tết tại đơn vị, anh sẽ về tranh thủ thăm chị và các con hai lần. Năm ngoái trực Tết ở đơn vị, năm nay, anh được về đón Tết cùng gia đình. Đêm Giao thừa, ngôi nhà nhỏ của ông bà ngoại (nơi vợ chồng anh Quỳnh xin ở nhờ) ngập tràn hạnh phúc của Tết đoàn viên. Sáng mồng Một Tết, anh chở chị cùng con trai đi khắp làng chúc Tết họ hàng, người thân...
Nhìn gương mặt hạnh phúc của chồng, nụ cười rạng rỡ của con trai, những vất vả, nhọc nhằn khi phải thay anh chăm lo gia đình nhỏ trong chị dường như tan biến. Chị Thiên khẽ nói: “Làm vợ bộ đội vất vả, khó khăn đấy, nhưng cũng tự hào nhiều lắm. Hạnh phúc hay không hạnh phúc đều là do mình. Như bản thân tôi, hạnh phúc là sự tin tưởng, cảm thông, vượt khó để cùng nhau vun vén tổ ấm, giúp chồng yên tâm công tác”.