Nối mi giả nhiều có hại không?
Nối mi giả là một cách làm đẹp được nhiều chị em ưa thích. Tuy nhiên phương pháp này nếu thực hiện không khéo léo có thể gây ra các vấn đề cho mắt và mi.
Các kiểu nối mi giả thịnh hành
Nối mi giả có tác dụng làm đẹp, khắc phục tình trạng lông mi thưa, ngắn, không đều... giúp bờ mi dày, quyến rũ và không cần dùng đến mascara hay mi giả dán trong mỗi lần trang điểm.
Quá trình này sẽ sử dụng keo dán chuyên dụng để gắn sợi mi giả lên mi thật nối dài và làm dày lông mi. Với cách làm này, thợ nối mi có thể ra nhiều dáng mi khác nhau. Hiện nay, có một số kiểu nối mi giả được nhiều người lựa chọn gồm:
- Nối mi classic: Đây là phương pháp nối mi được ưa chuộng hàng đầu bởi kiểu nối mi này đơn giản, dễ thực hiện và tạo sự tự nhiên nhất. Với phương pháp này, thợ nối mi sẽ nối 1 sợi mi giả lên 1 sợi mi thật để tạo ra hàng mi trông dài, dày và cong hơn một cách tự nhiên. Sau khi nối mi, rất khó nhận biết được mi thật và mi giả.
- Nối mi volume: Kỹ thuật này sử dụng từ 2 đến 5 sợi mi giả để tạo ra một bó sợi mi nhân tạo. Các sợi mi này tạo độ dày và đậm cho hàng mi một cách tự nhiên. Khi được gắn lên mắt, sợi mi volume ít bị rối và có độ bền cao.
- Nối mi hoa hồng đen: Là phương pháp nối mi mới được ưa chuộng. Phương pháp này dùng những sợi mi giả có độ dài ngắn khác nhau gắn trực tiếp lên mi thật. Phần mi nối được chải mượt và cong để tạo sự mềm mại, tự nhiên và tạo hình giống với cánh hoa hồng thật.
Cách nối mi giả này rất cầu kỳ, mất thời gian nhưng mang lại kết quả tuyệt vời. Ưu điểm lớn nhất của kiểu nối mi hoa hồng đen là có sự tự nhiên cao, mềm mại, nhẹ nhàng...
- Nối mi thiên thần: Đây là kỹ thuật kết hợp giữa phương pháp nối mi classic và volume, nối 1 sợi mi giả vào 1 sợi mi thật và nối nhiều sợi mi giả mảnh vào 1 sợi mi thật. Với phương pháp này, kỹ thuật viên sẽ gắn hai sợi mi giả vào hai bên của một sợi mi thật tạo thành hình chữ V tương tự như đôi cánh thiên thần.
- Nối mi đuôi cá: Đây là phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật nối mi volume với biến tấu phần đuôi mắt dài hơn sẽ giúp hàng mi trông giống như đuôi cá. Thợ nối mi sẽ sắp xếp các sợi mi giả lên mi thật. Độ dài mi được lựa chọn với chiều dài tăng dần về phía đuôi mắt. Cách nối mi này giúp mắt trông dài, to, ấn tượng và quyến rũ.
Nguy cơ tiềm ẩn khi gắn mi giả
Nối mi giả về cơ bản là không gây hại cho mắt. Các tác hại cho mắt và mi mắt chủ yếu là do sử dụng keo nối mi không chuẩn và kỹ thuật viên tay nghề không tốt. Do đó có không ít trường hợp gặp phải các tình trạng xấu cho mắt sau nối mi, gồm:
- Làm ngứa mắt: Nguyên nhân chính mi dán bị lộn xộn, sợi mi đâm vào mắt, bờ mi hoặc có thể là do keo dính mi không chất lượng khiến cho mối nối ở phần chân mi bị hở và dễ bị bung gốc, dẫn đến cảm giác gây ngứa chỉ sau một thời gian ngắn. Từ đó mắt bị ngứa và khó chịu, bất tiện về tầm nhìn.
Nếu gặp phải tình trạng này cần phải kiểm tra và chỉnh sửa lại mi, thậm chí có thể phải tháo gỡ mi giả.
- Làm đỏ mắt: Tình huống này thường do keo dán mi chứa các thành phần hóa chất dễ gây kích ứng. Đặc biệt trường hợp mắt của bạn có độ nhạy cảm cao thường sẽ bị đỏ ngay sau khi nối mi. Nếu gặp phải tình huống này cần tháo gỡ mi ngay. Tốt nhất là trước khi tiến hành nối mi, cần kiểm tra sức khỏe mi và mi mắt. Nếu thấy mi mắt yếu và dễ kích ứng thì không nên chọn phương pháp làm đẹp bằng nối mi.
- Mắt bị cộm, khó chịu: Tình trạng này là do tay nghề của thợ nối mi không vững. Do đó, khi nối mi sẽ khiến hàng mi sau nối bị lộn xộn, không vào khuôn. Hoặc do lấy quá nhiều keo khiến cho chân mi bị nặng, bờ mi bị sụp vướng vào mắt và nhiều sợi mi chĩa vào trong thay vì quay ra ngoài.
- Rụng lông mi thật: Nguyên nhân chính của hiện tượng rụng mi là do keo dán kém chất lượng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nang mi. Hoặc sau khi nối mi không chăm sóc mi mắt cẩn thận; không vệ sinh mi đúng cách khiến vi khuẩn, bụi bẩn tích tụ gây viêm bờ mi. Tình trạng này cũng có thể do nối mi mắt quá thường xuyên.
Do đó không nên nối mi liên tục mà cần có thời gian ngắt quãng để mi được nghỉ ngơi và phục hồi trước khi tiếp tục tiến hành nối mi.
Mời độc giả xem thêm video: