Một sai lầm phổ biến khi trữ thức ăn trong tủ lạnh

Bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, tăng nguy cơ mắc bệnh.

 Nên gói thực phẩm bằng bao nylon hoặc đựng trong hộp trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Ảnh: Shutterstock.

Nên gói thực phẩm bằng bao nylon hoặc đựng trong hộp trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều người thường cho rằng việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh có thể thực hiện một cách tùy tiện. Tuy nhiên, cách sắp xếp thực phẩm không đúng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả bảo quản, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh cho người sử dụng.

Những sai lầm phổ biến khi bảo quản thực phẩm

Kỹ sư dinh dưỡng Võ Thị Thùy Linh, khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết nhiều người có thói quen đặt trực tiếp thực phẩm cần đông lạnh vào tủ mà không qua xử lý. Điều này không chỉ gây mùi khó chịu trong tủ lạnh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi.

Trước khi đông lạnh, thực phẩm cần được bọc kín bằng túi nylon chuyên dụng hoặc đặt trong hộp nhựa có nắp. Cách làm này giúp ngăn ngừa mùi khó chịu và hạn chế sự phát triển của vi sinh vật. Ngoài ra, bạn nên xếp thực phẩm theo thứ tự: thực phẩm chín ở ngăn trên và thực phẩm sống ở ngăn dưới, nhằm ngăn chặn lây nhiễm chéo giữa thực phẩm sạch và thực phẩm chưa qua chế biến.

Một sai lầm khác là nhồi nhét quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh. Điều này không chỉ làm giảm khả năng lưu thông khí lạnh mà còn khiến nhiệt độ trong tủ không ổn định, làm giảm hiệu quả bảo quản. Hãy sắp xếp thực phẩm gọn gàng, chừa khoảng trống quanh hệ thống khí lạnh để đảm bảo khí lạnh được lan tỏa đều.

Cách bảo quản từng loại thực phẩm đúng cách

Thịt, cá

Thịt và cá tươi không nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh quá 1 tuần, vì các phân tử protein trong thực phẩm có thể bị biến tính, gây hại cho sức khỏe. Nếu bảo quản trong ngăn đá, bạn cần làm sạch thực phẩm trước khi bọc kín bằng nhiều lớp túi hoặc màng bọc thực phẩm để ngăn không khí xâm nhập. Điều này giúp hạn chế bề mặt thịt, cá bị đông cứng, mất nước và thay đổi màu sắc, hương vị.

Trứng

Trứng cần được giữ nguyên trong hộp thoáng khí hoặc đặt vào khay đựng trứng chuyên dụng trong tủ lạnh. Tuy nhiên, bạn không nên để trứng ở khay cửa tủ lạnh, vì nhiệt độ ở đây không ổn định. Ngoài ra, trứng không nên được bảo quản chung với các thực phẩm có nhiều tinh dầu như gừng, hành, ớt... do mùi của chúng có thể xâm nhập vào trứng thông qua các lỗ thông khí trên vỏ, làm trứng nhanh bị biến chất.

Sữa đặc, mật ong

Sữa đặc và mật ong không cần thiết phải bảo quản trong tủ lạnh. Việc bảo quản lạnh có thể làm thay đổi độ sánh và gây kết tinh đường. Chỉ cần để chúng ở nơi khô ráo, thoáng mát và đậy kín để tránh ruồi, gián và kiến.

Chanh

Để chanh tươi lâu hơn, bạn nên gói cả quả chanh bằng giấy trước khi cho vào tủ lạnh.

Chuối

Quấn màng bọc thực phẩm quanh cuống nải chuối hoặc trái chuối để bảo quản trong tủ lạnh, giúp chuối không bị thâm đen nhanh chóng.

Rau lá xanh

Nhặt bỏ những lá vàng úa hoặc hư hỏng, rửa sạch, để thật ráo nước trước khi cho rau vào túi hoặc hộp kín để bảo quản lạnh.

Những lưu ý quan trọng khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh

Việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh không đồng nghĩa với việc giữ nguyên 100% màu sắc, mùi vị và độ an toàn của thực phẩm. Bảo quản đúng cách chỉ giúp hạn chế sự mất mát giá trị dinh dưỡng và kéo dài thời gian sử dụng thực phẩm.

Mua thực phẩm với số lượng vừa đủ, không tích trữ lâu dài.
Hạn chế lưu giữ thức ăn chín trong tủ lạnh quá lâu và tránh hâm nóng nhiều lần, vì điều này làm giảm chất lượng món ăn.
Sắp xếp thực phẩm hợp lý để đảm bảo khí lạnh được lan tỏa đều, duy trì nhiệt độ ổn định.

Bằng cách áp dụng các nguyên tắc bảo quản thực phẩm đúng cách, bạn không chỉ giữ được sự an toàn cho bữa ăn hàng ngày mà còn bảo vệ tối đa giá trị dinh dưỡng của thực phẩm

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mot-sai-lam-pho-bien-khi-bao-quan-thuc-an-trong-tu-lanh-post1522003.html
Zalo