Người phụ nữ hôn mê sâu sau khi uống nhầm loại hạt chứa chất kịch độc

Ngừng thở, ngừng tim, tổn thương não nghiêm trọng, đó là tình trạng của bệnh nhân nữ 67 tuổi (ở hậu Lộc, Thanh Hóa) sau khi uống nhầm hạt mã tiền để chữa viêm dạ dày.

 TS. BS Nguyễn Trung Nguyên kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Ảnh: BVCC

TS. BS Nguyễn Trung Nguyên kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có tiền sử viêm dạ dày nên tự xin thuốc bột từ một xưởng chế biến ở cùng thôn để chữa. Sau khi uống hết 2 thìa bột này, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các cơn co giật, sau đó cứng toàn thân, người tím tái, ngừng thở, bất tỉnh. Bệnh nhân được đưa vào cơ sở y tế gần nhất cấp cứu sau đó chuyển thẳng lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ở tình trạng hôn mê.

Qua kết quả xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ phát hiện chất độc strychnin. Chất độc này cũng được tìm thấy trong gói bột thuốc người bệnh sử dụng.

Hình ảnh MRI não người bệnh bị tổn thương nhân đuôi và bèo sẫm hai bên. Ảnh: BVCC

Hình ảnh MRI não người bệnh bị tổn thương nhân đuôi và bèo sẫm hai bên. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc strychnin do sử dụng nguyên liệu thuốc Nam không đảm bảo. Tuy nhiên, điều đáng buồn, kết quả chụp MRI sọ, não bệnh nhân nữ này đã có những tổn thương nặng, tiên lượng khó cải thiện, di chứng do ngừng thở, ngừng tim. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị viêm phổi, tiêu cơ vân cấp. Hiện bệnh nhân vẫn đang còn hôn mê.

ThS.BS Nguyễn Tiến Đạt, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, chất độc strychnin có trong hạt mã tiền. Loại hạt này có hình dạng, màu sắc rất giống với hạt sang. Rất có thể khi chế biến hạt sang với mục đích chữa bệnh dạ dày, hạt mã tiền đã bị lẫn vào, sau đó bệnh nhân uống phải.

Đáng nói đây không phải là trường hợp hy hữu khi trước đó đã có nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch, thậm chí tử vong sau khi dùng nhầm hạt mã tiền.

Nhiều cơ sở sản xuất thuốc nhầm lẫn hạt mã tiền và hạt sang

Sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai về trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc strychnin nguy kịch, Sở Y tế Thanh Hóa đã phát đi thông tin cảnh báo gửi tới người dân các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường kiểm tra, giám sát mua bán, sử dụng sản phẩm từ hạt sang.

Qua kiểm tra, rà soát, Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng hạt sang tăng nhanh (vì thông tin được lan truyền là có tác dụng chữa bệnh dạ dày, đại tràng…) nên một số cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện mua hạt sang về nghiền, chế biến và bán cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh qua nhiều phương thức.

Thuốc bột và sản phẩm viên nang có chứa bột nghiền của các xưởng tại địa phương (xét nghiệm có strychnin từ hạt mã tiền). Ảnh: Sở Y tế Thanh Hóa

Kết quả phân tích do Sở Y tế Thanh Hóa thu thập được từ một số cơ sở xay nghiền hạt sang để chế biến thuốc trên địa bàn huyện Hậu Lộc đều có chứa hai hoạt chất là strychnin và brucin. Đây là hoạt chất có trong cây mã tiền, thuộc danh mục dược liệu có độc (hạt mã tiền sống thuộc nhóm độc bảng A, hạt mã tiền đã bào chế thuốc nhóm độc bảng B).

Do hình thức hạt sang trông giống hạt mã tiền nên rất dễ nhầm lẫn. Thực trạng còn đáng báo động hơn, khi không chỉ tại Hậu Lộc mà nhiều các cơ sở khác nhau trên cả nước chế biến, sử dụng “hạt sang rởm” (hạt mã tiền), bán rộng rãi trên mạng, nguy cơ gây ngộ độc cho nhiều người.

Sở Y tế Thanh Hóa cảnh báo, chưa có đủ cơ sở khoa học chứng minh hạt sang có tác dụng điều trị bệnh dạ dày, đại tràng. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, đề nghị người dân không sử dụng sản phẩm trôi nổi từ hạt sang. Chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến (xay nghiền các loại hạt…) trên địa bàn không tham gia sản xuất chế biến, kinh doanh sản phẩm từ hạt sang với mục đích chữa bệnh.

Hạt sang và hạt mã tiền có bề ngoài giống nhau nên rất dễ bị nhầm lẫn.

Hạt sang và hạt mã tiền có bề ngoài giống nhau nên rất dễ bị nhầm lẫn.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, việc nhận dạng khẳng định đúng tên từng loại cây, con vật, khoáng vật tránh nhầm lẫn cũng là điểm rất hạn chế của ngành Y học cổ truyền. Một người dân bình thường, kể cả lang y không có kiến thức chuyên sâu, không được đào tạo bài bản về thực vật, động vật lại tự đi tìm cây thuốc, vị thuốc trong tự nhiên, điều này quá rủi ro. Đã đến lúc ngành y học cổ truyền cần thay đổi, hiện đại hóa, khoa học hơn. Rất cần có hệ thống các chuyên gia nhận dạng, cần có vùng nuôi trồng đảm bảo đúng loại nguyên liệu cần dùng...

"Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng ở các địa phương cần rà soát, thanh kiểm tra tất cả các cơ sở mua bán, chế biến, kinh doanh hạt sang, kể cả việc mua bán trên mạng và có biện pháp ngăn chặn, xử phạt kịp thời, thậm chí truy tố hình sự nếu cần. Ngành Y học cổ truyền cũng cần cải tiến quy trình quản lý nguồn nguyên liệu hạt sang, đảm bảo khâu nhận dạng đúng, thu hái, bảo quản, vận chuyển, chế biến, mua bán" - bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Theo các nghiên cứu, strychnin vốn là một loại alkaloid chiết xuất từ cây mã tiền. Trước đây, strychnin thường được sử dụng trong những thuốc để điều trị nhược cơ, rối loạn tiêu hóa, đái dầm, yếu cơ thắt. Hiện nay, strychnin thường được dùng chủ yếu trong các loại thuốc diệt chuột và pha trong các chất cấm như heroin, cocain.

Liều gây ngộ độc khi sử dụng strychnin đó là từ 30 đến 100mg ở người lớn. Nguy cơ tử vong có thể xảy ra trong thời gian là 30 phút và không được điều trị sớm.

Sau khi tiếp xúc với strychnin, cơ bắp của bệnh nhân sẽ bắt đầu có hiện tượng bị co giật. Những cơn co giật sẽ lan tới mọi cơ bắp ở cơ thể. Ngay cả đối với những kích thích nhỏ nhất thì các cơn co giật sẽ xảy ra gần như là liên tục.

Những cơn co giật thường tăng cường độ và tiến triển cho tới khi xương sống cong liên tục. Tình trạng co giật sẽ dẫn đến nhiễm toan lactic, tiêu cơ vân và tăng thân nhiệt. Khi ấy, cái chết sẽ đến do ngạt thở bởi các đường dẫn truyền thần kinh kiểm soát hơi thở hoặc do bị kiệt sức vì co giật.

Thanh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-phu-nu-hon-me-sau-sau-khi-uong-nham-loai-hat-chua-chat-kich-doc-20250105141500602.htm
Zalo