Nỗi lo thuốc giả

Vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đấu tranh triệt xóa một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn do 2 đối tượng Nguyễn Tiến Đạt, sinh năm 1991, trú quận Thanh Xuân, TP Hà Nội và Trịnh Doãn Giáo, sinh năm 1985, trú tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cầm đầu, bắt giữ 14 đối tượng có liên quan, thu giữ gần 10 tấn thuốc thành phẩm và nguyên liệu không rõ nguồn gốc...

Trung tâm kiểm định thuốc Sở y tế Thanh Hóa kiểm định số thuốc tân dược giả do cơ quan Công an chuyển.

Trung tâm kiểm định thuốc Sở y tế Thanh Hóa kiểm định số thuốc tân dược giả do cơ quan Công an chuyển.

Đáng lưu ý, hoạt động sản xuất, buôn bán các loại hàng giả này đã kéo dài nhiều năm, đặc biệt là hàng chục loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được sản xuất và đưa vào lưu thông.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là bảo đảm chất lượng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, ngày 17/4/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Công điện số 41 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Công điện yêu cầu, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý vụ việc buôn bán hàng giả nêu trên. Cùng với đó, chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, kịp thời ngăn chặn và giảm thiếu tác hại của việc sử dụng thuôc giả, thực phâm bảo vệ sức khỏe giả.

Liên quan đến nội dung này, ngày 18/4/2025, ông Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin Công an tỉnh Thanh Hóa phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát, đến nay chưa phát hiện các sản phẩm thuốc giả này được lưu hành tại các cơ sở khám chữa bệnh....

Trong số 21 loại sản phẩm bị cơ quan Công an bắt giữ, có 4 loại giả thuốc tân dược là: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion; còn lại là 39.323 hộp gồm 17 loại sản phẩm giả nghi là thuốc đông dược, sản phẩm có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, qua phân tích, xét nghiệm ban đầu của Trung tâm kiểm định thuốc thuộc Sở Y tế Thanh Hóa, phần lớn hàm lượng trong các loại thuốc đông y giả là thuốc giảm đau. Khi người bệnh mua và uống các loại thuốc này (chủ yếu bệnh xương khớp) sẽ cảm thấy hết đau ngay. Vì thế, người bệnh sẽ tin dùng và tiếp tục mua thuốc giả mà không hề nghi ngờ. Về nhóm thuốc tây y giả, hiện chưa phát hiện dược tính độc hại, nhưng không có dược tính kháng sinh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì. Để sản xuất các loại thuốc giả trên, các đối tượng đã mua nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu,... sau đó tự pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh.

Cũng theo ông Hòa, thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, do vậy yêu cầu quản lý nghiêm ngặt. Các sản phẩm do các đối tượng làm giả không xâm nhập được vào trong hệ thống các bệnh viện công lập do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu. Các sản phẩm giả này chủ yếu được bán trên mạng, tại kênh bán lẻ.

Qua vụ việc này, ngành y tế Thanh Hóa khuyến cáo Nhân dân hãy tỉnh táo khi mua thuốc chữa bệnh, chỉ nên mua ở các cơ sở uy tín, được cấp phép hoạt động, không nên mua thuốc trôi nổi trên mạng xã hội. Đặc biệt, khi mua thuốc người dân cần chủ động tra cứu nguồn gốc trước khi mua. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, buôn bán thuốc giả hãy báo ngay cho cơ quan y tế và các cơ quan chức năng có liên quan để xử lý.

Thái Thanh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/noi-lo-thuoc-gia-246071.htm
Zalo