Bộ Y tế đề xuất tăng mức xử phạt các hành vi buôn bán thuốc giả

Trước thực trạng đáng báo động về tình trạng buôn bán thuốc giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, Bộ Y tế đang khẩn trương rà soát và đề xuất sửa đổi Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nhằm bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Điểm đáng chú ý trong đề xuất là việc tăng mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường dược phẩm.

Hiện theo Điều 6 của Luật Dược và Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án thấp nhất là 2 năm tù và cao nhất là tử hình. Điều này thể hiện rõ sự nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý các hành vi đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Công Thương tăng cường các biện pháp kiểm tra, phòng chống thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Công Thương tăng cường các biện pháp kiểm tra, phòng chống thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường.

Trước đó, ngày 17/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 41/CĐ-TTg yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc sản xuất và buôn bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương khác. Hoạt động vi phạm này được phát hiện đã diễn ra trong nhiều năm, với hàng chục loại sản phẩm giả bị đưa vào lưu thông.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Công Thương tăng cường các biện pháp kiểm tra, phòng chống thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường.

Triển khai Công điện của Thủ tướng, Bộ Y tế đang tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định việc kinh doanh thuốc qua mạng internet, đồng thời rà soát và xây dựng cơ chế rõ ràng phân công trách nhiệm các đơn vị trong việc kiểm soát, quản lý, quảng cáo và lưu hành thuốc.

Song song với đó, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc giả.

Người dân được khuyến cáo không tự ý mua thuốc để điều trị mà nên khám, mua thuốc tại các cơ sở y tế được cấp phép. Bộ Y tế cũng khuyến khích người dân cung cấp thông tin khi phát hiện các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra sẽ được tăng cường thông qua việc thành lập các đoàn liên ngành, phát huy vai trò của các đơn vị đầu mối trong công tác phòng, chống hàng giả. Bộ Y tế cũng đang từng bước hoàn thiện hệ thống dữ liệu ngành dược, công bố công khai các thông tin liên quan đến thuốc được cấp phép lưu hành, từ cơ sở sản xuất đến bán lẻ, giúp người dân dễ dàng tra cứu và xác minh thông tin.

Đặc biệt, sự phối hợp giữa Bộ Y tế với các bộ ngành như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, và Quản lý thương mại điện tử sẽ được đẩy mạnh nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong quảng cáo, buôn bán thuốc giả và thuốc không rõ nguồn gốc.

Ngay sau khi nhận được thông tin về thuốc giả, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã chỉ đạo ban hành văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phối hợp chặt chẽ với công an để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật và tiến hành thu hồi toàn bộ số thuốc giả đã được đưa ra thị trường.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra và giám sát chặt chẽ các nhà thuốc, ngừng tiêu thụ thuốc giả, đồng thời xác minh nguồn gốc của các sản phẩm thuốc không rõ xuất xứ. Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người.

Do đó, các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc luôn đòi hỏi phải được quản lý chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt theo quy định tại Luật Dược và các văn bản pháp luật liên quan. Trong đó, hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, gây hậu quả nghiêm trọng và bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-y-te-de-xuat-tang-muc-xu-phat-cac-hanh-vi-buon-ban-thuoc-gia-d269698.html
Zalo