Nỗi lo bóng đen lạm phát trở lại

Nỗi lo lạm phát trở lại ở các nước giàu đang nhen nhóm trong giới đầu tư, kèm với câu hỏi: liệu sai lầm tương tự những năm 1970 có lặp lại?

Sau khi đạt đỉnh vào năm 2022 ở mức 11% so với cùng kỳ 1 năm trước đó, lạm phát tại các nền kinh tế đã phát triển giảm đều đặn cho đến gần đây. Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, lạm phát toàn phần ở các nước giàu đã và đang tăng dần, từ 2,1% vào tháng 9 lên 2,5% vào tháng 12/2024.

Đến tuần trước, nước Anh báo cáo lạm phát tháng 1 đạt 3% so với cùng kỳ năm trước, tăng từ mức thấp gần đây là 1,7%. Lạm phát của Ba Lan trong cùng thời gian là 5,3%, từ mức 4,7% của tháng trước. Lạm phát của Đức, dù đã giảm còn 2,3%, vẫn cao hơn mức 1,6% vào hè năm ngoái. Giá tiêu dùng của Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, từ mức thấp gần đây là 2,4%.

% CPI thay đổi so với 1 năm trước đó tại một số nền kinh tế phát triển.

% CPI thay đổi so với 1 năm trước đó tại một số nền kinh tế phát triển.

Nhìn vào các con số này, một số có thể bày tỏ sự nghi hoặc: vì sao các ngân hàng trung ương lại cắt lãi suất trước khi lạm phát đạt mục tiêu hoặc xuống thấp hơn nữa, trong khi tăng trưởng kinh tế hầu như không chậm lại. Liệu các nước giàu có lặp lại sai lầm tương tự vào những năm 1970?

Bài học từ quá khứ

Đầu những năm 1970, xung đột ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng vọt, khiến các ngân hàng trung ương chật vật kiểm soát lạm phát. Sau khoảng một năm, giá dầu ổn định và lạm phát bắt đầu giảm. Nhiều nước khi ấy tin rằng họ đã khôi phục được sự ổn định về giá nên đã nới lỏng chính sách (nhằm vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi suy thoái) để rồi rốt cục chứng kiến lạm phát trở lại.

Một ví dụ là Mỹ: lạm phát đạt 12% năm 1974, giảm còn 5% vào năm 1976 để rồi sau đó lên tới 15% vào năm 1980. Trong quá khứ, các ngân hàng trung ương đã không điều chỉnh chính sách đủ nhanh để chặn cú sốc giá dầu năm 1979 lan rộng ra khắp nền kinh tế. Chỉ đến khi có một cuộc suy thoái lớn vào đầu những năm 1980, họ mới tiêu diệt được lạm phát mãi mãi.

Về điều này, nhà kinh tế học John Cochrane của Đại học Stanford gần đây viết: "Lạm phát giống như con gián. Khi chỉ còn lại một vài con thì đó chưa phải lúc để nới lỏng". Vào những năm 1970, giới hoạch định chính sách đã giết hầu hết "gián", nhưng vẫn để lại một số ít con cứng đầu nhất để rồi sau đó chúng tiếp tục sinh sôi dữ dội.

Thực tế, một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về hơn 100 cú sốc lạm phát từ những năm 1970 cũng bày tỏ quan điểm tương tự, cho thấy lạm phát là dai dẳng và phải mất nhiều năm để "giải quyết" bằng cách giảm nó xuống mức phổ biến trước cú sốc ban đầu. Theo dữ liệu của IMF, 40% các nước trong nghiên cứu không giải quyết được các cú sốc lạm phát thậm chí sau 5 năm và 60% còn lại mất trung bình 3 năm để đưa lạm phát trở lại mức trước cú sốc.

Ngoài ra, nhiều nước sớm nới lỏng chính sách để ứng phó với áp lực giảm giá ban đầu đã mắc sai lầm, vì lạm phát đã sớm quay lại. Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp và Mỹ nằm trong số gần 30 nước thực hiện nới lỏng chính sách sớm sau cú sốc giá dầu năm 1973. Thực tế, hầu hết nền kinh tế trong nghiên cứu của IMF không giải quyết được lạm phát đều chứng kiến tốc độ tăng trưởng giá cả chậm lại đáng kể trong vài năm đầu sau cú sốc, rồi tăng tốc lại hoặc mắc kẹt với tốc độ nhanh hơn.

Nỗi lo lạm phát trở lại ở các nước giàu đang nhen nhóm trong giới đầu tư, kèm với câu hỏi liệu sai lầm tương tự những năm 1970 có lặp lại?

Nỗi lo lạm phát trở lại ở các nước giàu đang nhen nhóm trong giới đầu tư, kèm với câu hỏi liệu sai lầm tương tự những năm 1970 có lặp lại?

Liệu lịch sử có lặp lại?

Hiện, giới đầu tư không hoàn toàn chắc liệu lạm phát cao có chắc chắn quay lại hay không. Giá cả thị trường cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn trong tương lai và nếu FED dẫn đầu, các ngân hàng trung ương khác sẽ đi theo.

Trong những tuần gần đây, lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm, điều này có thể cho thấy nỗi lo lạm phát đã giảm bớt. Mặt khác, một mô hình từ chi nhánh Cleveland của FED cho thấy kỳ vọng của thị trường về lạm phát trong năm tới đã tăng từ khoảng 2,2% hồi tháng 9 lên 2,7% ở thời điểm hiện tại.

Sự trái ngược của các con số phản ánh sự bất đồng trong dự báo. Một số chuyên gia cho rằng sự gia tăng gần đây của lạm phát chỉ là ảo ảnh. Lý do là các nhà thống kê điều chỉnh dữ liệu để phản ánh các sự kiện xảy ra vào một thời điểm cụ thể trong năm.

Đại dịch Covid-19 đã làm hỏng những điều chỉnh này, do đó có thể khiến chỉ số lạm phát theo tháng trong tháng 1 và 2 cao hơn tỷ lệ lạm phát "thực". Số khác chỉ ra rằng lạm phát toàn phần luôn tăng vọt do giá hàng hóa biến động.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng Morgan Stanley cho rằng, các vụ cháy rừng gần đây ở California có thể đã đẩy giá hàng hóa ở Mỹ lên cao tạm thời. Vào tháng 1, một số quốc gia, gồm Bỉ và Na Uy, đã chứng kiến giá thực phẩm tăng mạnh, phần nhiều do nỗi sợ chiến tranh thương mại. Các ngân hàng trung ương cũng thường bỏ qua những sự cố này khi thiết lập chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thoải mái như vậy. Bất kể vấn đề gì với việc điều chỉnh theo mùa, chúng không thể ảnh hưởng đến lạm phát khi đo lường theo năm và rõ ràng là lạm phát đang tăng. Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy các nền kinh tế phát triển đang chứng kiến nhiều áp lực lạm phát hơn.

Thị trường lao động của các nước giàu vẫn thắt chặt. Tỷ lệ thất nghiệp của OECD hiện ở mức dưới 5% trong gần 3 năm. Với các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt để có được nhân viên, mức lương danh nghĩa đang tăng hơn 4% theo năm ở khắp các nền kinh tế lớn nhất.

Tuy nhiên, thật không may, tăng trưởng năng suất lại yếu. Nếu người sử dụng lao động không thể phân bổ chi phí tiền lương cao hơn của họ cho nhiều sản lượng hơn, họ sẽ phải chuyển chúng cho người tiêu dùng dưới hình thức giá cả cao hơn.

Theo The Economist, có nhiều bằng chứng về hiện tượng này xảy ra trong lĩnh vực dịch vụ, từ tư vấn tài chính đến vật lý trị liệu. Giá dịch vụ đang tăng 4% theo năm tại các nền kinh tế lớn nhất, gấp khoảng 2 lần so với trước đại dịch. Tại 18 nước giàu có đã báo cáo dữ liệu đáng tin cậy cho tháng 1, lạm phát dịch vụ đã giảm so với mức thấp gần đây tại 14 quốc gia. Tại Bồ Đào Nha, lạm phát tăng một phần trăm. Tại Estonia, tăng 3,7 điểm.

Nhiều yếu tố để lo ngại

Các nhà hoạch định chính sách có thể đổ thêm dầu vào lửa lạm phát. Vấn đề không nằm ở các ngân hàng trung ương, mà từ các chính trị gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch trục xuất hàng triệu công nhân không có giấy tờ và tăng thuế - điều sẽ đẩy giá lên cao. Các nhà lãnh đạo ở những nơi khác đang theo đuổi các chính sách ít cực đoan hơn, nhưng vẫn có thể làm tăng lạm phát.

Khoảng 40% chính phủ các nước giàu đang thúc đẩy nền kinh tế của họ về mặt tài chính trong năm nay, được đo bằng sự thay đổi trong thâm hụt ngân sách được điều chỉnh theo chu kỳ kinh tế.

Ngân sách gần đây nhất của Anh đã tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, trong khi Ý đã phê duyệt ngân sách có nội dung cắt giảm thuế. Nhiều chính phủ cũng sẽ trả đũa ông Trump bằng cách áp thuế với hàng Mỹ, làm tăng giá hàng nhập khẩu.

So với trước đại dịch, các doanh nghiệp và người lao động có thể phản ứng mạnh hơn với các lực lượng ủng hộ lạm phát này. Vào năm 2023, một bài viết do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) - một tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương, công bố đã thảo luận về những gì xảy ra trong "lộ trình chuyển đổi sang chế độ lạm phát cao", trong đó giá cả tăng trở thành "điểm tập trung hơn với người lao động và các doanh nghiệp".

Khi mọi người đã trải qua tình trạng giá cả tăng nhanh, họ lo rằng điều đó sẽ xảy ra lần nữa. Nếu người lao động nhận thấy lạm phát đang diễn ra, họ có thể đặc biệt nhanh chóng yêu cầu tăng lương. The Economist nói đã tìm thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về vấn đề này. Một trong số đó là sự quan tâm đến lạm phát, được đo bằng lượng tìm kiếm trên Google, cao gấp đôi so với trước năm 2021. Các lý do khác để lo lắng đến từ những cuộc khảo sát người tiêu dùng.

Ngay cả khi lạm phát đã giảm rất nhiều so với mức đỉnh gần đây, mọi người vẫn cho rằng giá cả sẽ tăng mạnh trong những tháng tới. Vào tháng 12, lạm phát của EU là dưới 3%. Tuy nhiên, công dân EU tin rằng giá cả sẽ tăng 10% trong 12 tháng tới - gấp đôi so với mức họ kỳ vọng vào những năm 2010. Có một "khoảng cách nhận thức về lạm phát" tương tự ở Mỹ.

Tỷ lệ lạm phát của Canada đã ở mức hoặc dưới 2% kể từ tháng 8. Tuy nhiên, người Canada vẫn kỳ vọng lạm phát là 3% trong năm tới, so với 2,4% trước đại dịch. Cách đây không lâu, các ngân hàng trung ương đã tự khen mình vì hạ lạm phát xuống nhanh như vậy. Đó là một thành công đủ để bù đắp cho lỗi phản ứng quá chậm với giá cả tăng ngay từ đầu. Tuy nhiên, như Cochrane viết, "gián" có thói quen khó chịu là quay trở lại.

Bảo Quân

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/noi-lo-bong-den-lam-phat-tro-lai-316240.html
Zalo