Băn khoăn đề xuất giao dịch tiền mã hóa tại trung tâm tài chính
Theo các chuyên gia, việc tham gia đầu tư tiền số là chọn lựa của cá nhân, tuy nhiên, nếu xem việc cho phép niêm yết và giao dịch sàn tiền mã hóa chính thức tại trung tâm tài chính quốc tế thì cần cân nhắc.
Mới đây, Bộ KH-ĐT đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Một trong những nội dung đáng chú ý được bộ này đề xuất là chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).
Theo đó, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro đối với sandbox trong hoạt động fintech, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hóa.
Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn một lần không quá 3 năm. Hội đồng nhân dân TP.HCM và TP.Đà Nẵng quy định chi tiết về tiêu chí, điều kiện lựa chọn và trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định, cấp phép thực hiện sandbox.

Việt Nam chuẩn bị thành lập trung tâm tài chính quốc tế
Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, việc tham gia đầu tư tiền số là chọn lựa của cá nhân, tuy nhiên, nếu xem việc cho phép niêm yết và giao dịch sàn tiền mã hóa chính thức tại trung tâm tài chính quốc tế như là một giải pháp "đi tắt vọt lên" để đảm bảo thành công của trung tâm tài chính quốc tế này thì rất nguy hiểm.
Lý do theo ông Hiển là mục đích lập trung tâm tài chính quốc tế để tổ chức vốn, huy động vốn và sử dụng vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển Việt Nam, biến Việt Nam thành cường quốc của ASEAN, nhưng nếu có sàn giao dịch tiền mã hóa thì hiệu quả chưa rõ, mà đã có 1 “sòng” giao dịch tiền mã hóa hợp pháp, sẽ thu hút hàng nghìn tỉ đồng của nhà đầu tư Việt chảy vào.
Ngoài ra, ông Hiển cũng cho rằng điều này cũng gây hại đến chiến lược nâng hạng và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam lớn mạnh bền vững.
“Trung tâm tài chính quốc tế trước hết làm tốt tài chính truyền thống theo hướng mở tối đa các định chế và sản phẩm tài chính hiện đang phổ biến tại các trung tâm tài chính thế giới, chứ chưa nên đị tắt vượt lên thành trung tâm tài chính tiền số quốc tế”, ông Hiển chia sẻ.
Tại phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng dù dự thảo nghị quyết có những quy định vượt trội so quy định hiện hành nhưng các khái niệm được sử dụng trong dự thảo phải thống nhất với hệ thống pháp luật. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các khái niệm về tài sản mã hóa trong dự thảo nghị quyết với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Công nghiệp công nghệ số.

Băn khoăn đề xuất thành lập sàn giao dịch tiền mã hóa ở trung tâm tài chính
Về thời điểm thành lập sàn giao dịch chuyên biệt, giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính…, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá thêm về thực tiễn và khả năng hoàn thiện pháp lý liên quan để xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp.
Bộ Tài chính cũng cho biết hiện nay chưa có quy định về tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Trong khi đó, việc quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa sẽ theo quy trình từ phát hành, sở hữu, giao dịch, cấp phép cung cấp dịch vụ, bảo mật thông tin, việc sử dụng trong các giao dịch dân sự, vấn đề quản lý để đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia.
Do còn nhiều nội dung cần nghiên cứu trước khi ban hành chính sách, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định việc triển khai thí điểm các chính sách liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa mà không đề cập đến các chính sách cụ thể.
Bộ Tài chính nhấn mạnh triển khai chính sách về tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính có nhiều nội dung cần nghiên cứu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, có ảnh hưởng tác động đến đảm bảo an ninh tài chính.
Để đảm bảo khả thi, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định về thời gian thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ ngày 1.7.2026.
Các loại tiền mã hóa khá phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu khung pháp lý đối với vấn đề này.
Theo báo cáo của hãng Chainalysis (Mỹ), trong vòng 12 tháng (tính đến thời điểm tháng 7.2023), dòng tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỉ USD. Trong cùng thời gian đó, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (FDI) chỉ đạt 25 tỉ USD (bằng khoảng 1/5 so với dòng tài sản mã hóa). Lượng tiền này đã tăng 20% so với con số 100 tỉ USD ở giai đoạn 2021-2022.
Trong đó, khoảng 60% lượng tiền mã hóa ở Việt Nam hiện được giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung (CEX).
Theo số liệu của Triple A - công ty thanh toán tiền mã hóa được cấp phép bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore, có tới 20% dân số Việt Nam sở hữu tài sản ảo. Lượng người sở hữu tài sản ảo ở Việt Nam thậm chí đứng thứ 3 toàn cầu nếu tính theo số lượng tuyệt đối.