Nơi học sinh muốn đến

Cô Nguyễn Thảo Ly – giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm niệm: 'Lớp học hạnh phúc là nơi học sinh muốn đến và thích thú tham gia các hoạt động, học tập'.

Cô Nguyễn Thảo Ly cùng các học trò của mình. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thảo Ly cùng các học trò của mình. Ảnh: NVCC

Tôn trọng sự khác biệt

Để xây dựng lớp học hạnh phúc, ngay từ những ngày đầu nhận lớp, cô Ly đặc biệt quan tâm đến cảm xúc, tính cách và tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh. Những ngày học tiếp theo cô luôn chủ động trò chuyện và tham gia các hoạt động với học sinh nhằm xóa bỏ khoảng cách cô – trò.

Vì thế, các em luôn coi cô như một “người bạn lớn tuổi” của mình. “Trong các giờ lên lớp, tôi thường lồng ghép các trò chơi. Ngoài ra, tôi đặc biệt quan tâm đến việc học sinh lĩnh hội kiến thức như thế nào? Có bị nặng quá không? Trò có vui khi học tiết học đó hay không? Để từ đó điều chỉnh phương pháp dạy cũng như lượng kiến thức phù hợp. Mục đích là để các em thực sự cảm thấy vui thích và muốn tham gia các tiết học tiếp theo… Mỗi tháng tôi lại cho học sinh tự trang trí lớp học của mình theo chủ điểm, màu sắc mà các con yêu thích. Cách làm này để tạo hứng thú cho các con mỗi khi bước vào lớp” – cô Ly bật mí.

Cô Ly cho biết, học sinh lớp 2 - 3 (7 - 8 tuổi) rất nhạy cảm nên giáo viên cần nắm rõ được tâm lý ở độ tuổi này. Các em đã bắt đầu quen dần với nề nếp và những quy định ở trường tiểu học. Trẻ phải thay đổi cách sinh hoạt để thích nghi với tính tự lập khi bước vào lớp 1.

Môi trường học đường cùng với ý thức kỷ luật tác động tích cực vào tâm lý. Các em tự giác hoàn thành các bài tập, nhiệm vụ trên trường lớp cũng như khi về nhà theo đúng thời gian biểu của mình. Với việc phải làm quen nhiều nội quy ở trường học, đôi lúc các em sẽ căng thẳng vì áp lực không thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình… Vì vậy, giáo viên phải chủ động động viên giải tỏa căng thẳng cho trò.

Nhớ về cậu học trò lớp 2 của mình, cô Ly kể lại: “Em tên là N.T. Theo cô giáo cũ kể, em này ương bướng, nghịch ngợm, không biết nghe lời và học kém, khiến tôi hơi lo lắng. Buổi đầu tiên, tôi quan sát thấy các bạn khác chơi vui vẻ với nhau, riêng N.T ngồi một mình trên mặt bàn, đặt một tờ giấy trắng. Em cầm bút gạch những vết gạch “rất nặng nề” lên tờ giấy, mặt thì hằm hằm, mắt gru gru… hỏi ra mới biết là các bạn không chơi cùng” – cô Ly chia sẻ.

Cô cho biết, trong giờ học, N.T vẫn hăng hái phát biểu xây dựng bài, trả lời khá lưu loát. Cô thường yêu cầu các bạn cả lớp khen N.T mỗi khi em trả lời tốt. Nhưng cả lớp chỉ lộp độp những tiếng vỗ tay nhỏ. Ngay lập tức, N.T phản ứng lại bằng cách hét ầm lên, vênh mặt thể hiện sự chống đối lại cả cô giáo và các bạn. Lần sau cô gọi lên trả lời, N.T chỉ đứng im…

Giờ ra chơi cũng vậy, khi N.T được các bạn chơi cùng là tỏ ra phấn khích, em xông vào ôm ghì lấy bạn, khiến các bạn khó chịu. Khi bị các bạn tỏ thái độ là N.T lại xông vào đánh bạn… Các bạn về mách với bố mẹ và nhiều phụ huynh mặc định N.T rất hư. Cô Ly cũng nhận được rất nhiều phản hồi của phụ huynh.

Bằng kinh nghiệm và hiểu biết của mình về đặc thù tâm lý lứa tuổi học sinh, cô Ly giải thích cho phụ huynh hiểu, động viên gia đình N.T và trao đổi với học sinh trong lớp. Cô cũng có rất nhiều cuộc nói chuyện và tạo điều kiện cho em được thể thiện bản thân trong các hoạt động của lớp, trong các bài học để N.T được tiếp xúc cùng các bạn nhiều hơn.

Rất nhiều lần cố gắng của cô giáo nhưng N.T đều làm ngược lại, thậm trí tỏ thái độ bất cần, chống đối. Phải đến hết năm học lớp 2, N.T mới hòa đồng và không còn những biểu hiện bất thường. “N.T rất ấn tượng và đặc biệt, cũng là trường hợp mà tôi đã giúp học trò “vượt lên chính mình”. Tôi vui và thấy hạnh phúc vì điều đó” – cô Ly bộc bạch.

Chủ động đổi mới phương pháp dạy học

Cũng xuất phát từ yêu thương học trò, nên cô Ly luôn chủ động đổi mới phương pháp dạy học. Trong các tiết dạy, cô luôn lấy học sinh làm trung tâm. “Nếu có thể, giáo viên nên xếp lớp học theo hình chữ U để khuyến khích sự tương tác giữa các em. Giáo viên phải có kế hoạch chi tiết cho từng lớp học; Nên gọi học sinh lên bảng một cách nhẹ nhàng, trìu mến. Đồng thời, khuyến khích học sinh phát biểu, nêu lên ý kiến của mình và chú ý đến ưu, nhược điểm của mỗi em. Tích cực cho các em tham gia hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, rèn học sinh tự tin thuyết trình trước đám đông… Liên tục tạo ấn tượng với học sinh và đặc biệt hãy luôn nở nụ cười thân thiện với học sinh” – cô Ly chia sẻ kinh nghiệm.

Cô Ly cũng là một người tích cực viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN). Cô cho biết, viết SKKN không chỉ mang đến những đổi mới, sáng tạo trong công tác dạy - học, mà còn giúp người giáo viên thoát khỏi sức ỳ. Trong số các SKKN của mình, cô tâm đắc nhất đề tài “Một số biện pháp sử dụng bản đồ tư duy (BĐTD) trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3”. Đề tài đã đạt giải C cấp thành phố năm học 2016 - 2017 và được đồng nghiệp ứng dụng vào thực tiễn.

Theo cô Ly, khi sử dụng BĐTD trong dạy học Tự nhiên và Xã hội lớp 3, kết hợp các phương pháp dạy như: Vấn đáp, quan sát, thảo luận nhóm… sẽ tạo được hiệu quả cao nhất cho giờ dạy. Để thực hiện tốt giờ học có sử dụng BĐTD, GV phải nắm chắc nội dung kiến thức, toàn chương trình, có khả năng khái quát hóa vấn đề và liên tưởng cao. Thêm vào đó cũng cần có sự kiên trì và nhẫn nại khi hướng dẫn học sinh học tập với BĐTD. BĐTD có nhiều ưu điểm nổi trội và phù hợp với việc học của HS tiểu học. Do đó, việc sử dụng BĐTD trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3 nói riêng và các môn học về Tự nhiên và Xã hội nói chung là thực sự cần thiết.

“Giáo viên dành nhiều thời gian để quan tâm, động viên và chia sẻ yêu thương với học trò, để các em tự và phấn đấu vươn lên trong học tập. Quan trọng là giáo viên truyền được năng lượng cho các em, giúp các em thêm yêu trường, yêu lớp và yêu bạn bè, thầy cô giáo, để mỗi ngày đến trường của các em là một ngày vui”. Cô Nguyễn Thảo Ly

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/noi-hoc-sinh-muon-den-20200407120442140.html
Zalo