Nơi bọ hung làm 'vua một cõi'
Tại Nam Phi, trong Công viên Quốc gia Addo lừng danh 'nhà của voi', xuất hiện 'vị vua' không ngờ nhất: Bọ hung không biết bay Circellium bacchus.
Không chỉ bản thân chúng được bảo vệ trọn vẹn mà ngay cả thức ăn là cục phân voi cũng trong diện cấm tác động. Nhờ vậy mà dù yếu ớt và dễ bị tổn thương, chúng vẫn sinh trưởng mạnh mẽ, mỗi ngày một đông đúc hơn.
Côn trùng đặc hữu
Addo nằm gần thành phố cảng Gqeberha, là một trong 20 vườn quốc gia của Nam Phi. Nó được thành lập vào năm 1931 vì mục đích bảo tồn voi hoang dã, hiện là công viên quy mô lớn thứ 3, sau Vườn quốc gia Kruger và Công viên xuyên biên giới Kgalagadi.
Addo bảo vệ đời sống tự nhiên của 600 con voi, 400 con trâu Cape, 48 con tê giác đen… to lớn. Tuy nhiên, “siêu sao” nơi đây lại là loài côn trùng nhỏ bé và yếu ớt nhất: Bọ hung không biết bay Circellium bacchus.
Nếu thế giới tự nhiên Nam Phi có đến gần 800 loài bọ hung thì Circellium bacchus là loài quý hiếm nhất, chỉ sinh trưởng ở một vài khu vực nhỏ thuộc phía Đông Nam và tập trung nhiều nhất ở Addo.
Bề ngoài, chúng giống như hầu hết các loài bọ hung khác với cơ thể được chia làm 3 phần là đầu, ngực và bụng. Trên đầu chúng có cặp râu, lưng có cánh cứng còn bụng thì có 3 cặp chân. Khác ở chỗ, chúng không có cánh màng nên hoàn toàn không biết bay.
Thức ăn yêu thích của Circellium bacchus là phân voi. Vì không biết bay, phạm vi lãnh thổ của chúng rất hẹp và khả năng tự sinh tồn cũng rất yếu. “Cuộc sống của Circellium bacchus phụ thuộc vào nguồn phân voi bền vững nên Addo, vùng đất bảo vệ voi vô tình trở thành lãnh địa sung túc”, nhà động vật và côn trùng học Catherine Sole (Đại học Pretoria) cho biết.
“Vua của công viên”
Nếu bên dưới lớp cánh cứng của các loài bọ hung khác là lớp cánh màng mềm mại, giúp chúng bay được thì ở Circellium bacchus lại là khoang rỗng. Tuy rỗng, nó có một tác dụng thần kỳ là chống mất nước.
Theo phân tích của 2 nhà nghiên cứu thuộc Đại học Witwatersrand (Nam Phi), Marcus Byrne và Frances Duncan, bọ hung nói chung là loài hô hấp bằng cách hít vào thông qua các lỗ thở nằm ở phía trước cơ thể và thở ra qua các lỗ thở nằm trên lưng, dưới lớp cánh màng. Vì thế, mỗi khi cần giải phóng CO2, chúng lại phải xòe cánh ra nên tất yếu bị thất thoát nước.
Riêng ở Circellium bacchus thì khác, chúng có vòng hô hấp ngược lại. Thay vì hít vào từ phía trước và thở ra qua phía sau, chúng lại hít vào và thở ra hết ở phía trước nên không cần phải mở cánh ra.
“Khoang cánh của Circellium bacchus giống như bể chứa CO2 vậy. Nó tương tự việc bạn chụm hai tay lại rồi thở vào trong đó, hơi nước sẽ bị giữ lại nên bên trong luôn được ẩm ướt”, nhà nghiên cứu Byrne giải thích.
Có điều, so với biết bay thì việc hô hấp ngược đời của Circellium bacchus không phải là lợi thế lớn. Trong hoàn cảnh phải tranh giành thức ăn với các loài bọ hung còn lại, chúng sẽ bị chết đói vì quá chậm chân.
May cho Circellium bacchus là có Addo luôn dồi dào nguồn phân bền vững. Kể từ khi được quy hoạch làm nơi bảo tồn voi, lượng voi ở đây liên tục gia tăng và dĩ nhiên, phân voi cũng nhiều hơn mỗi ngày. Circellium bacchus thích nhất là phân voi mới thải, còn tươi và ấm vì dễ cắt xén, vo viên. Chỉ cần đánh hơi thấy mùi phân voi, chúng lũ lượt bò tới, cặm cụi vo tròn rồi chổng mông đẩy về tổ.
Tổ của Circellium bacchus nằm sâu dưới lòng đất. Ở trong này, chúng thong thả ăn, giao phối và đẻ trứng. Với kích thước khá lớn, được xếp vào diện những loài bọ hung to nhất châu Phi, chúng được ví như những bộ máy xử lý phân triệt để nhất.
Ban quản lý Addo vô cùng biết ơn chúng, xem như “vua của công viên” mà hết lòng bảo vệ. Sau họ là Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, vì Circellium bacchus không chỉ dễ bị tổn thương, mà còn là loài côn trùng đặc hữu chỉ có ở Nam Phi.
Ngày nay, khắp Addo, đâu đâu cũng có biển cảnh báo “ưu tiên bọ hung Circellium bacchus”. Circellium bacchus có quyền được lăn viên phân qua đường mà không cần phải quan tâm xe cộ hay con người. Ngược lại, ngay cả với các viên phân, du khách cũng không được phép dẫm chân hay đè bánh xe lên.
“Với chúng tôi, bảo vệ Circellium bacchus cũng quan trọng như bảo vệ voi. Bạn cứ thử nghĩ mà xem, nếu không còn bọ hung, liệu hệ sinh thái của công viên này có còn hoạt động được như bình thường không? Mặc dù nhỏ bé và yếu ớt nhưng chúng vô cùng hữu ích nên chúng ta có nghĩa vụ phải quan tâm và bảo vệ chúng”, Giám đốc Trung tâm Sinh thái Bảo tồn châu Phi, ông Graham I.H. Kerley nhấn mạnh.
Theo atlasobscura