Nồi bánh tét của mẹ
Trong lần ghé thăm nhà người quen, tôi có dịp chứng kiến gia đình bạn quây quần ngồi gói bánh tét cùng nhau. Hình ảnh ấy với tôi vô cùng quen thuộc, nhắc nhớ kỷ niệm về nồi bánh tét của mẹ trong những ngày xưa cũ.
Thế hệ chúng tôi, những đứa lớn lên ở chốn quê nghèo, đều ít nhất một lần nhìn thấy nồi bánh tét tỏa khói trong những ngày giáp Tết. Ở quê ngày ấy, chỉ quanh quẩn mấy món bánh dân gian do chính bàn tay mẹ, tay bà làm nên. Ra chợ, lựa chọn cũng phong phú hơn, nhưng chủ yếu cũng là những món bánh được làm thủ công, đòi hỏi sự khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ. Trong các thứ bánh ấy, bánh tét được xem là “sang” hết thảy! Chẳng mấy khi, đám con nít chúng tôi được ăn bánh tét. Chỉ lúc nhà có đám tiệc hoặc vào dịp Tết, chúng tôi mới ngửi được cái mùi thơm phưng phức của nếp dẻo, của lá chuối ngâm mình trong nồi hấp.
Còn nhớ ngày tôi vừa ê a cắp sách đến trường, đã quen thuộc với hình ảnh mẹ cặm cụi ngồi gói bánh những ngày giáp Tết. Vào những năm đầu thập niên 90, đời sống không còn đói kém nhưng cũng chưa dư dả. Muốn gói chục đòn bánh tét cúng ông bà, mẹ tôi phải tính toán, tiết kiệm đủ thứ chi phí. Tùy điều kiện kinh tế của gia đình mỗi năm, mẹ sẽ gói nhiều hay ít, nhưng phải làm sao đủ cúng ông bà, rồi cho các con ăn trong 3 ngày Tết.
Thông thường, mẹ sẽ đi chợ mua gói đủ loại nhân trắng mỡ, nhân ngọt và nhân chuối, vì mấy anh em tôi sở thích khác nhau. Gia đình tôi rước ông bà ngày 30 Tết, nên ngày 29 tháng Chạp, mẹ phải chuẩn bị đủ công đoạn, từ ngâm nếp, vút đậu, cắt lá chuối đem phơi, tước dây buộc bánh… Rạng sáng 30 Tết, mẹ sẽ chông đèn ngồi gói bánh để đến trưa cúng rước ông bà. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” của anh em chúng tôi hồi ấy, chẳng mấy khi thức phụ mẹ việc gì. Chỉ nghe tiếng ba mẹ nói chuyện râm ran cùng nhau, rồi sáng ngày 30 Tết đã thấy nồi bánh chín ngoài sân.
Rồi chúng tôi lớn lên, cũng đã bắt đầu phụ mẹ đôi chút. Dù không khéo léo, tôi vẫn ngồi buộc được vài đòn bánh. Tuy nhiên, sản phẩm đầu ra chẳng mấy khi vừa mắt, lắm lúc mẹ phải buộc lại. Khi mẹ gói bánh, ba cũng chuẩn bị “ông Táo” cho công đoạn nấu. Trước tiên, phải đào một cái hố sâu chừng 2 tấc vừa đủ rộng, rồi dùng 3 viên đá lớn làm chân cà ràng. Sau khi nồi nước to bản được bắc lên “ông Táo”, ba sẽ cho bánh vào nồi. Lúc này, mới đến lượt mấy đứa con nít ngồi canh lửa. Anh em chúng tôi ngồi quây quần bên nồi bánh, nhìn ánh lửa rực hồng mà vui mắt. Biết con nít hay lơ đễnh, nên mẹ thường ra vô coi chừng nồi bánh. Củi nấu bánh thường là gốc tre khô, cháy đượm, lâu tàn nên đám con nít có ngủ quên cũng không mấy khi ảnh hưởng. Cứ thế, đôi mắt chúng tôi ríu lại theo ánh lửa bập bùng, chừng giật mình thức giấc thì nắng đã treo trên ngọn sào, soi rõ từng đòn bánh núc ních, thơm lừng mùi nếp mới...
Thời gian trôi nhanh, mẹ không còn gói bánh tét cho anh em chúng tôi được nữa. Bây giờ, bánh tét cũng không nhất thiết phải tự gói trong gia đình vào dịp Tết như ngày trước, bởi chúng được bày bán ê hề ngoài chợ. Nếu nuốn có bánh ngon cúng ông bà, người ta thuê những gia đình làm dịch vụ gói bánh, với mức giá đa dạng. Tất nhiên, bánh ngon thì sẽ mắc tiền đôi chút.
Gia đình tôi cũng “theo thời”, đặt bánh để cúng ông bà, rồi cúng mẹ những ngày Tết đến. Cầm miếng bánh đủ màu sắc, đủ hương vị, nhưng trong lòng chẳng thấy ngon như thời thơ ấu. Có thể, bánh mẹ gói không đẹp, không có nhân thập cẩm, nhưng lại ăm ắp thứ tình cảm thiêng liêng không gì tả hết. Bây giờ, có muốn tìm lại chút hương vị mộc mạc ngày xưa cũng không còn được nữa.
Có dịp được thấy người mẹ của bạn mình cặm cụi gói bánh tét, khiến tôi có chút bồi hồi nhớ đến mẹ, nhớ đến nồi bánh tét ngày xưa. Hồi ấy, anh em chúng tôi vẫn cứ hay tranh nhau lớp nhân cạo đáy nồi. Những miếng nhân thơm lừng, mặn mặn mà ngon đáo để. Nếu có thể, hẳn người ta sẽ ước thời gian quay trở lại, để một lần được nếm cái mùi thơm pha lẫn hơi khét của lớp nhân ngày ấy.
Ra sân sau chuyện trò cùng với bạn, tôi lại thấy nồi bánh tét rực hồng trong lửa. Vì gia đình bạn gói bánh theo đơn đặt hàng của khách, nên phải đầu tư hẳn chiếc lò chuyên dụng. Bạn cho biết, cao điểm những ngày giáp Tết, phải nấu một lúc 2 nồi bánh và nấu liên tục mới đủ giao cho khách. Bạn mời tôi ghé thăm gia đình những ngày giáp Tết, cùng ngồi canh lửa nồi bánh xuyên đêm khiến tôi có chút bâng khuâng, nhớ lại cái thời xưa cũ, khi ánh lửa bập bùng soi rõ những gương mặt trẻ con ngáy ngủ giữa màn đêm tịch mịch.
Theo thời gian, cuộc sống rồi sẽ đổi thay, sẽ có những thứ mất đi, sẽ có những điều mới đến và mỗi người buộc phải thích nghi với guồng quay tạo hóa. Tôi cũng vậy. Có thể Tết năm nay, tôi sẽ vào thăm người bạn ấy để tìm kiếm chút ấm áp của nồi bánh tét ngày xưa, để mang ít bánh về rước ông bà và đón giáo thừa, để nhớ lại nồi bánh tét của người mẹ thân thương đã trôi vào quá vãng!