Trao truyền di sản trong trường học
Công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm đã và đang được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng...
Không chỉ đưa dân ca ví, giặm vào bài giảng, nhiều trường học tại Hà Tĩnh còn thành lập câu lạc bộ dân ca để tạo sân chơi cho học sinh có năng khiếu, đam mê làn điệu ví, giặm của quê hương, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Nghệ Tĩnh và dân tộc Việt Nam.
Đa dạng hình thức
Sau hơn 10 năm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm đã và đang được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng.
Ngày 27/11/2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức UNESCO chính thức thông qua Nghị quyết ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ý thức được dân ca ví, giặm có vai trò quan trọng và ý nghĩa trong việc giáo dục học sinh, bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ, nhiều năm qua, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã đưa vào trường học giúp di sản văn hóa được lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong thế hệ trẻ. Đồng thời, đây cũng là tiêu chí xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Tại Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh), từ những hạt nhân của đội văn nghệ, nhà trường đã thành lập câu lạc bộ dành cho học sinh đam mê loại hình dân ca này. Đều đặn mỗi tháng, câu lạc bộ tập các tiết mục mới. Đặc biệt, không chỉ học sinh mà còn có sự tham gia hưởng ứng từ phụ huynh.
Anh Lê Quang Thế (45 tuổi, có con học lớp 2E) vốn yêu thích dân ca ví, giặm nên khi biết nhà trường có câu lạc bộ đã động viên và tiếp lửa để con tham gia. Anh cũng là hạt nhân tích cực phối hợp với giáo viên phụ trách biên soạn các tổ khúc mới. “Dân ca ví, giặm có tính giáo dục cao. Hiện nay, bên cạnh các dòng nhạc mới, nếu không giáo dục, lưu truyền cho học sinh thì dân ca ví, giặm dễ mai một trong thế hệ trẻ. Tôi thường viết lời mới phù hợp với lứa tuổi học sinh dựa trên các làn điệu ví, giặm để tập cho các em”, anh Thế cho hay.
Cô Tống Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà chia sẻ, nhà trường có phòng truyền thống về dân ca ví, giặm. Trong phòng có các dụng cụ như trang phục, một số loại đàn, hình ảnh tư liệu. “Đây không chỉ là nơi tập luyện, mà còn giúp các em hiểu hơn về di sản dân tộc”, cô Bình nói.
Huyện Can Lộc - một trong những “cái nôi” của dân ca ví, giặm. Nơi đây, các trường học đã phối hợp với đội ngũ cán bộ Trung tâm VH-TT huyện duy trì hoạt động các câu lạc bộ trong nhà trường. Câu lạc bộ dân ca ví, giặm của Trường Tiểu học Phan Kính (Kim Song Trường, Can Lộc) hiện có 40 thành viên tại 2 điểm trường.
Cô Trần Thị Thu Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Kính cho biết: Mỗi tuần, câu lạc bộ có một buổi sinh hoạt để giảng dạy dân ca ví, giặm cho học sinh. Nhà trường cũng tạo điều kiện để các em thể hiện qua hoạt động ngoại khóa, chào cờ hay liên hoan văn nghệ nhà trường, ngành Giáo dục.
Là giáo viên Anh văn của Trường THPT Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nhưng cô Đặng Thị Anh Phương đã tự sáng tác nhiều bài dân ca bằng tiếng Anh và dạy học sinh. Cô sử dụng những lời thơ có sẵn, chuyển thể thành bài hát tiếng Anh theo làn điệu ví, giặm và tổ chức trò chơi để các em luyện từ mới, ngữ pháp. Ngoài ra, cô lồng ghép tiếng Anh vào các tiết sinh hoạt đầu giờ, chào cờ đầu tuần hay tiết học hát ví, giặm.
“Phương pháp này mới lạ đã gây thích thú cho học sinh. Qua cách học này, các em tiếp cận gần hơn với di sản văn văn hóa thế giới. Trước đây, tôi thường lựa chọn các làn điệu đơn giản, dễ chuyển thể… lồng ghép với bài học giúp học sinh dù chơi nhưng vẫn nắm vững từ vựng”, cô Anh Phương chia sẻ.
Lan tỏa giá trị văn hóa
Từ những câu lạc bộ dân ca ví, giặm trong trường học đã phát hiện và bồi dưỡng nhiều tài năng nhí. Các em là “đại sứ” góp phần lan tỏa, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nguyễn Trần Hà Vy - học sinh lớp 4A4 là hạt nhân hát dân ca ví, giặm của Trường Tiểu học 1 thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà). Hà Vy được làm quen các làn điệu dân ca thông qua giờ học hát và sinh hoạt câu lạc bộ tại nhà trường.
Từ chất giọng bẩm sinh, niềm yêu thích làn điệu dân ca và sự hướng dẫn của giáo viên âm nhạc, Hà Vy ngày càng tiến bộ. Em đã thuộc nhiều làn điệu và tham gia không ít sân chơi ở loại hình dân ca này. “Em thấy những làn điệu dân ca gần gũi và thân thương và đặc biệt, hát dân ca không quá khó”, Hà Vy bộc bạch.
Theo cô Võ Thúy Hiền - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học 1 thị trấn Thạch Hà, quá trình trao truyền dân ca ví, giặm, giáo viên phải chú trọng phương pháp khơi dậy niềm yêu thích cho học trò. Tại các tiết học ngoại khóa, liên hoan văn nghệ của nhà trường, cô Võ Thúy Hiền đã khéo léo lồng ghép các tiết mục dân ca vào giảng dạy cho học trò. Đến nay, nhiều học sinh trong trường được làm quen và tự tin bắt nhịp với làn điệu dân ca.
Thời gian qua, triển khai Nghị quyết 98/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐND Hà Tĩnh về một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025, sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh việc hát dân ca, phát triển câu lạc bộ dân ca trong trường học. Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo các trường ưu tiên tiết mục dân ca trong chương trình văn nghệ, đưa dân ca vào Chương trình giáo dục địa phương từ cấp tiểu học, THCS đến THPT.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 269 câu lạc bộ dân ca, ví, giặm với 8.187 thành viên là giáo viên, học sinh. Nhiều đơn vị trên địa bàn Hà Tĩnh đã đưa dân ca ví, giặm vào trường học với nhiều hình thức khác nhau. Có nhiều trường thành lập câu lạc bộ, có trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, trường lại tổ chức các buổi giao lưu với nghệ nhân, các cuộc thi tìm hiểu, sưu tầm tác phẩm dân ca ví, giặm hữu ích, thiết thực.
“Đưa dân ca ví, giặm vào trường học là việc làm tích cực đã đạt hiệu quả đáng kể, góp phần giáo dục nhân cách học sinh; giúp các em trân trọng và yêu quý di sản dân tộc, góp phần định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc cho giới trẻ hiện nay”, ông Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) bày tỏ.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, truyền dạy dân ca trong trường học hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, chuyên môn thanh nhạc, kiến thức âm nhạc về các làn điệu dân ca của các thành viên câu lạc bộ còn hạn chế, chưa được hướng dẫn sâu, rộng nên khó khăn trong việc truyền dạy.
“Thời gian tới, ngành GD-ĐT Hà Tĩnh phối hợp với ngành văn hóa để có việc làm cụ thể, lan tỏa nhiều hơn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; quan tâm bố trí mời các nghệ nhân để hỗ trợ các nhà trường phát triển Câu lạc bộ dân ca”, ông Ngọc thông tin.
“Đưa dân ca ví, giặm vào Chương trình giáo dục địa phương tại các trường học nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Lồng ghép học dân ca trong nhà trường thông qua các hoạt động sẽ bảo đảm các yêu cầu dạy học tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh, thực hiện tiêu chí xây dựng ‘Trường học thân thiện, học sinh tích cực’”, ông Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) nói.