'Nơi ánh sáng chưa bao giờ tắt' - Tôn vinh những chiến sĩ áo trắng
Chương trình nghệ thuật chính luận Giai điệu tự hào không chỉ là một đêm nhạc tri ân, mà còn là dịp để khơi dậy lòng yêu nghề, truyền lửa đam mê cho các thế hệ cán bộ y tế. Những câu chuyện, những giai điệu trong chương trình sẽ tiếp tục lan tỏa, truyền cảm hứng và hun đúc tinh thần trách nhiệm của những người mang sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Chương trình nghệ thuật chính luận Giai điệu tự hào tôn vinh những chiến sĩ áo trắng.
Với chủ đề “Nơi ánh sáng chưa bao giờ tắt”, chương trình do Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp Bộ Y tế tổ chức, nhằm tri ân và tôn vinh những đóng góp to lớn của ngành y tế nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Xuyên suốt chương trình được dàn dựng công phu là sự kết hợp giữa biểu diễn nghệ thuật, phóng sự tài liệu và giao lưu, mang đến một bức tranh sinh động và đầy cảm xúc về những chiến sĩ áo trắng, những người đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Câu chuyện về ca ghép tim, ghép gan đồng thời cùng các y, bác sĩ bệnh viện Việt Đức.
Những phóng sự xúc động xuyên suốt chương trình đã khắc họa những kỳ tích của ngành Y tế trong suốt thời gian qua. Câu chuyện về nữ bác sĩ Nguyễn Thị Lan, tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình đã quyết định rời quê hương xa gia đình, lên xã vùng cao Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La phục vụ người dân.
Để có thể hoàn thành tâm nguyện, chị đã phải hy sinh hạnh phúc riêng tư. Gia đình chị Lan sống ở 2 nơi, con gái lớn ở quê Thái Bình với bố, con trai còn nhỏ ở với mẹ. Do điều kiện công tác, có khi 2-3 tháng chị mới có thể về quê thăm chồng, thăm con. Có những thời điểm đặc biệt như dịch Covid-19, cả năm chị không thể về quê, chỉ có thể nói chuyện với chồng, con qua điện thoại.
Chị Lan xúc động nói: Cũng có lúc tôi muốn đến bỏ việc về quê, nhưng khi nghĩ đến hoàn cảnh gia đình của các bệnh nhân nghèo nơi vùng cao này, tôi lại quyết tâm ở lại.
Gắn bó với xã Hồng Ngài đã nhiều năm, bác sĩ Lan thuộc nằm lòng từng dãy núi cao, con suối sâu đến những thôn, bản nghèo nàn. Chị không nhớ nổi đôi chân của mình đã vượt qua bao nhiêu chặng đường gập ghềnh, nhưng vẫn luôn mong có đủ sức khỏe để tiếp tục hành trình chữa bệnh, cứu người.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho cộng đồng, nhiều năm qua, từ lãnh đạo xã, thôn bản cho đến từng người dân đều biết ơn, yêu quý bác sĩ Lan và coi chị như người con ưu tú của bản, làng.
Hơn 20 năm qua với vai trò là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Ngài, giờ đây, chị đã trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân ở đây mỗi khi đau ốm- là minh chứng sống động cho tinh thần hy sinh thầm lặng của những y bác sĩ nơi vùng sâu, vùng xa.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trao thư khen của Công đoàn Y tế Việt Nam tặng gia đình ông Lê Đình Duật.
Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện đầy nhân văn cũng được chia sẻ qua các cuộc giao lưu với nhiều nhân vật đặc biệt như: Cuộc trò chuyện với gia đình chị Nguyễn Thị Bích - gia đình có cả 3 mẹ con đều đăng ký hiến tặng mô tạng; câu chuyện của gia đình ông Lê Đình Duật (Thanh Xuân, Hà Nội) với 3 thế hệ đều tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện với hơn 500 lần hiến máu.
Những cuộc gặp gỡ, trò chuyện đầy xúc động đã để lại nhiều suy ngẫm, lan tỏa thông điệp về lòng nhân ái và sự sẻ chia cũng như những giá trị nhân văn của ngành Y tế. Qua đó, tô thắm truyền thống, tinh thần tương thân tương ái, chung tay vì cộng đồng của dân tộc Việt Nam.
Trong chương trình, khán giả còn được lắng nghe câu chuyện về ca ghép tim, ghép gan đồng thời, do các y bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức thực hiện - một kỳ tích y học đáng tự hào.
Bên cạnh những câu chuyện truyền cảm hứng, chương trình còn mang đến các tiết mục nghệ thuật đầy xúc động, truyền tải thông điệp về lòng nhân ái, sự tận tụy của những người thầy thuốc, về nghị lực và niềm tin vào cuộc sống của những người bệnh… như một lời tri ân sâu sắc gửi đến những chiến sĩ áo trắng đang lặng thầm ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong đó, có hai ca khúc đạt giải của Cuộc thi Sáng tác và Biểu diễn ca khúc về ngành y tế đã được lựa chọn để giới thiệu tới đông đảo công chúng. Đó là ca khúc “Nghề Y diệu kỳ” của tác giả Hoàng Hồng Ngọc đạt giải Nhì), và ca khúc “Đóa hoa từ mẫu” của tác giả Giáng Son (thơ: Phạm Hồng Điệp, đã đạt giải Ba) trong phần thi Sáng tác ca khúc của Cuộc thi.

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Anh Trí tại chương trình.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của chương trình là cuộc trò chuyện với GS, TS, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Ông là người kiến tạo phong trào hiến máu tình nguyện, là một trong những tên tuổi có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành huyết học và truyền máu Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Anh Trí đã dành hơn 40 năm cống hiến không ngừng nghỉ, đặt nền móng vững chắc cho hệ thống truyền máu quốc gia. Chính ông đã khởi xướng hai phong trào hiến máu tình nguyện lớn nhất Việt Nam - Lễ hội Xuân Hồng và Hành trình Đỏ, giúp thay đổi nhận thức xã hội, biến hiến máu tình nguyện thành một phong trào lan tỏa mạnh mẽ.
Dưới sự dẫn dắt của ông, hệ thống truyền máu không chỉ đủ về số lượng mà còn đảm bảo chất lượng, cứu sống hàng trăm nghìn bệnh nhân trên cả nước. Từ những chia sẻ của ông đã giúp khán giả hiểu rõ hơn về hành trình cống hiến không mệt mỏi của ngành huyết học và truyền máu, góp phần cứu sống hàng nghìn bệnh nhân.
Khoảnh khắc khiến cả hội trường nghẹn ngào, xúc động nhất khi Nguyễn Thị Thu Hường - một bệnh nhân từng mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) bước lên sân khấu. Cô đã gắn bó với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ năm 2011, trải qua những giai đoạn nguy kịch vì khan hiếm máu.
Hường kể lại những lần GS.TS Nguyễn Anh Trí tận tình động viên, hướng dẫn cô cách giữ gìn sức khỏe khi chờ nguồn máu hiến. Không chỉ là một bác sĩ, ông còn là người truyền niềm tin, tiếp sức cho những bệnh nhân như Hường vượt qua bệnh tật.
Được bệnh nhân tặng hộp bánh đậu xanh Hải Dương, món quà tuy giản dị nhưng chứa đựng cả một lòng biết ơn sâu sắc, GS.TS Nguyễn Anh Trí cảm động nói: Sự cống hiến của ông không chỉ nằm ở những con số hay thành tựu, mà còn trong từng cuộc đời được ông chạm đến và hồi sinh.