Nợ xấu tăng mạnh, ngân hàng cảnh giác phân luồng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu đang có dấu hiệu tăng nhanh, trong khi việc xử lý nợ xấu chững lại.

Nợ xấu ngân hàng đang có xu hướng gia tăng, trong khi xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Dũng Minh

Nợ xấu ngân hàng đang có xu hướng gia tăng, trong khi xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Dũng Minh

Nợ xấu tăng nhanh đáng ngại

Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu đang tăng cao trở lại. Tính đến tháng 1/2025, nợ xấu nội bảng ở mức 4,3%. Đáng lo là, trong khi nợ xấu tăng nhanh, thì việc xử lý nợ xấu chậm lại.

Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng thêm khoảng 34.000 tỷ đồng, trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, chủ yếu do các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro để xử lý.

“Như vậy, nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu đến từ việc các tổ chức tín dụng trích từ dự phòng rủi ro. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp, dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản, nếu không xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích.

Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, việc không luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng (quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu) khiến nhiều khách hàng chây ỳ trả nợ. Theo quy định, các ngân hàng có thể khởi kiện đòi nợ, song hiệu quả thực tế rất hạn chế.

Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, có nhiều bản án đã có hiệu lực thi hành, nhưng qua 27 - 28 lần thi hành án, đấu giá, phát mại tài sản, song vẫn không xử lý được vì vướng Luật Đất đai. Trong số hơn 40.000 vụ việc có hiệu lực thi hành, chuyển sang thi hành án, năm 2024, chỉ giải quyết được 15% số vụ án với số tiền nhỏ so với bản án có hiệu lực.

Không chỉ vậy, theo ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank, ngân hàng còn gặp một khó khăn nữa là khâu tố tụng tại cấp huyện chuyển xuống cấp xã, nên ngân hàng gặp vướng, khiến tiến độ thu hồi nợ chậm lại và đang phải kiến nghị, đề xuất một số cơ chế phối hợp với chính quyền địa phương để tháo gỡ.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, nợ xấu và nợ tiềm ẩn có thể gia tăng trong năm 2025. Chính vì vậy, Ngân hàng đang chủ động kiểm soát và phân luồng sớm các khoản nợ có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro.

Luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 phải bảo vệ cả con nợ lẫn chủ nợ

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng 2024. Dự thảo Luật sẽ luật hóa một số quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14, bao gồm luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự.

Trước đây, ngân hàng trực tiếp đi thu giữ tài sản đảm bảo rồi bán, nhưng sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực, ngân hàng rất khó khăn trong thu hồi tài sản đảm bảo để xử lý nợ. Theo quy định, ngân hàng có thể khởi kiện khách vay ra tòa, nhưng thực tế xử lý nợ qua thi hành án chiếm tỷ lệ rất thấp.

- Ông Nguyễn Đức Biên, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị HDBank AMC

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không chỉ tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ, mà là tiếng chuông cảnh tỉnh để người đi vay phải có ý thức và trách nhiệm trả nợ, xóa bỏ tư duy tìm mọi cách không trả nợ, tìm mọi cách để không bàn giao tài sản, tìm mọi cách để xin miễn lãi, thậm chí vay để trả gốc và cũng không muốn trả lãi, trong khi tài sản bảo đảm rất lớn.

Tuy vậy, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần thận trọng để bảo đảm cả quyền chủ nợ lẫn quyền con nợ. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng không phải là quyền đương nhiên, mà phải được thiết lập thông qua điều khoản trong hợp đồng tín dụng đã được các bên ký kết. Do đó, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những quy định cần thiết để bảo đảm hoạt động này được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu giữ tài sản đảm bảo cũng như người có liên quan.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cân nhắc việc quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và cho rằng, việc tổ chức tín dụng được trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm là hành chính hóa quan hệ dân sự và việc thu giữ tài sản bảo đảm không thông qua phán quyết của tòa án có thể dẫn đến nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu của người sở hữu tài sản nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/no-xau-tang-manh-ngan-hang-canh-giac-phan-luong-d269485.html
Zalo