Nợ xấu nội bảng khoảng 734 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3% trong năm 2024
Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại tính đến ngày 31/12/2024 ở mức hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023 và có thể tăng hơn trong năm 2025.
![Nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) của các ngân hàng đã tăng hơn 40% trong năm 2024.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_241_51467906/7ef1e64dd7033e5d6712.jpg)
Nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) của các ngân hàng đã tăng hơn 40% trong năm 2024.
Năm 2024, hệ thống ngân hàng Việt Nam chứng kiến làn sóng nợ xấu tăng mạnh, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn, điều này phản ánh những khó khăn ngày càng lớn của doanh nghiệp trong nền kinh tế hậu COVID-19.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2024, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng hơn 16,9 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 2 (các khoản vay có dấu hiệu cảnh báo rủi ro) tại các ngân hàng thương mại là hơn 211.709 tỷ đồng, chiếm 1,25% tổng dư nợ. Con số này đã giảm 7% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm phần lớn với hơn 118.756 tỷ đồng, tương đương 56,1% tổng nợ nhóm 2 của toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, tổng số dư nợ xấu (nợ nhóm 3-5) đã tăng 17% so với đầu năm, tương đương 32.621 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ xấu toàn Ngành lên 227.103 tỷ đồng.
Thống kê từ Wichart cho thấy, tính đến ngày 31/12/2024, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của 27 ngân hàng đạt hơn 131.000 tỷ đồng, tăng hơn 39.500 tỷ so với năm 2023, tương đương mức tăng 43%. Ngoài ra, tỷ trọng của nợ nhóm 5 trong tổng dư nợ cho vay có xu hướng tăng, từ 0,91% năm 2023 lên 1,11% năm 2024.
Tính chung, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại tính đến ngày 31/12/2024 ở mức hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023.
Nợ xấu gia tăng, đòi hỏi ngân hàng cũng phải gia tăng bộ đệm dự phòng. Điều này không chỉ bóp nghẹt lợi nhuận ngân hàng mà còn đe dọa sự ổn định tài chính và khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ suy giảm tín dụng, kéo theo hệ lụy tiêu cực đến đầu tư và tiêu dùng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành Ngân hàng mong muốn luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu. Hiện, NHNN đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bốn ngân hàng yếu kém đã được chuyển giao bắt buộc, nhưng vẫn còn nhiều khoản nợ tồn đọng cần giải quyết.
Tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao NHNN khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong Kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đồng thời sửa đổi quy định liên quan tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh với các ngân hàng thương mại cổ phần.