Nợ xấu ACB tăng mạnh
Trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng, ACB vẫn thực hiện tiết giảm đáng kể chi phí dự phòng rủi ro tín dụng theo từng quý.
Nợ xấu tăng mạnh
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 cho thấy sụt giảm đáng kể về chất lượng tài sản.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2024, tổng nợ xấu của ACB đạt 8.650 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,22% lên 1,51%.
Từ đầu năm 2024, ACB đã phải giãn các khoản nợ xấu liên quan đến bất động sản do thị trường này trầm lắng, khiến cho việc thanh lý các khoản nợ bất động sản khó khăn hơn.
Trong quý III/2024, ban lãnh đạo ACB cho biết nhà băng phải giảm bớt đà tăng trưởng tín dụng để tập trung tái cơ cấu các khoản nợ, kiểm soát nợ xấu, giúp nợ xấu cả năm được duy trì ở mức dưới 1,5%.
Mặc dù nợ xấu tăng, ACB lại thực hiện tiết giảm đáng kể chi phí dự phòng rủi ro tín dụng theo từng quý.
Nhà băng chỉ trích gần 148 tỷ đồng trong quý IV vừa qua, giảm tới hơn 70% so với giai đoạn đầu năm.
Giảm trích lập khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ACB chỉ đạt hơn 77%, giảm so mức hơn 80% thời điểm cuối quý III/2024.
Chất lượng tài sản là một trong những điểm mạnh nhất của ACB. Từ năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của ACB luôn thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng cùng quy mô.
Moody’s và FiinRatings xếp ACB ở mức cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam về năng lực quản trị rủi ro và khả năng sinh lời.
Mặc dù vậy, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, ngân hàng đã đánh đổi một phần chất lượng tài sản.
Tính chung cả năm 2024, ACB chỉ trích hơn 1.600 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 11% so với năm 2023.
Điểm sáng tăng trưởng
Trong khi kiểm soát nợ xấu không được như kỳ vọng, ACB vẫn duy trì được đà tăng trưởng kinh doanh trong năm vừa qua với hơn 91.000 tỷ đồng dư nợ cho vay tăng thêm, đạt gần 19%.
Tính riêng quý IV/2024, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng được cải thiện. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt gần 869 tỷ đồng, tăng 19%.
Đặc biệt, mảng kinh doanh ngoại hối đem về khoản lãi hơn 344 tỷ đồng, cao gấp 12 lần so với cùng kỳ.
Tính chung cả năm 2024, thu nhập lãi thuần của ACB đạt gần 27.800 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước, đảm bảo duy trì tăng trưởng thị phần qua các năm.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt gần 21.000 tỷ đồng, chưa đạt mục tiêu 22.000 tỷ đồng đề ra. Mặc dù vậy, lợi nhuận cũng đã tăng gần gấp ba lần chỉ trong 5 năm vừa qua.
Kết thúc năm 2024, tổng tài sản của ACB đạt 864.000 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm.
Tổng huy động vốn của ACB trong năm, bao gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá, đạt 639.000 tỷ đồng, tăng 19%. Tỷ lệ CASA tăng nhẹ lên 23,3% trong năm 2024.
Góc nhìn thận trọng năm 2025
Dự báo triển vọng năm 2025, công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) dự phóng thu nhập lãi thuần của ACB sẽ tăng trưởng mức 13,5%.
Đồng thời kỳ vọng thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 14% với động lực từ công ty chứng khoán ACBS, mảng thanh toán thẻ nhờ nhu cầu tiêu dùng, các loại phí đi kèm với các sản phẩm tin dụng và tăng trưởng tốt hơn từ mỏng thu hồi nợ.
Dù vậy, năm 2025 vẫn sẽ là một năm thách thức với vấn đề từ thu hồi nợ, tổ chức này dự phóng tỷ lệ nợ xấu của ACB có thể sẽ tăng 10 điểm cơ bản.
Đồng thời, lãi trước thuế của ACB năm 2025 sẽ tăng trưởng nhẹ, đạt khoảng 23.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính ACB sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng 19,3% cho năm 2025.
Động lực tăng trưởng đến từ các yếu tố mặt bằng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp, tạo động lực thúc đẩy nhu cầu vay vốn, đặc biệt là phân khúc vay mua nhà.
Ngoài ra, sự đóng góp tăng trưởng tín dụng có thể đến từ ACBS với mảng cho vay ký quỹ.