Đồng Nai hướng đến mục tiêu trở thành địa phương phát triển tốp đầu cả nước

Năm 2024, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức thông qua. Đây chính là 'bản vẽ', định hình hướng đi cho Đồng Nai với mục tiêu trở thành địa phương phát triển tốp đầu cả nước.

Khu vực hành lang sông Đồng Nai được xác định là khu vực động lực tăng trưởng mới của tỉnh.

Khu vực hành lang sông Đồng Nai được xác định là khu vực động lực tăng trưởng mới của tỉnh.

Theo Quy hoạch tỉnh, 3 tiền đề để Đồng Nai tăng tốc phát triển trong thời gian tới là “kết nối, hội nhập và cất cánh”.

Thời điểm vàng để tăng tốc, bứt phá phát triển

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Hiện nay, Đồng Nai xếp thứ 4 cả nước về GRDP với gần 18 tỷ USD (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương). Dự kiến đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có GRDP xếp thứ 3 cả nước.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, để hoàn thành những mục tiêu trên, trong Quy hoạch tỉnh đã xác định 5 đột phá chiến lược cho giai đoạn tới gồm: khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành; hoàn thành khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng các khu công nghiệp xanh, giảm phát thải carbon, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao; xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển tổ hợp giáo dục, đào tạo; triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp.

Cùng với đó, để khai thác tốt các yếu tố mới thúc đẩy phát triển, tỉnh quy hoạch 2 khu vực động lực phát triển mới đến năm 2030 là khu vực đô thị Sân bay Long Thành và khu vực hành lang sông Đồng Nai.

“Một bản quy hoạch có chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giúp cho tỉnh có được đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra. Phải tận dụng cơ hội để phân bổ không gian phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, kiến tạo động lực phát triển mới, kết hợp thực hiện 5 đột phá” - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, Quy hoạch tỉnh đã xác định được những định hướng quan trọng đối với tỉnh trong thời gian tới. Đồng Nai được đánh giá đang ở thời điểm vàng, hội tụ đầy đủ các yếu tố để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, tỉnh sẽ phát huy tối đa các điều kiện, lợi thế đã được xác định trong quy hoạch. Đặc biệt là Sân bay Long Thành, thành phố Sân bay Long Thành, chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai và các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng.

“Đồng Nai mời gọi nhà đầu tư không những đến đầu tư, phát triển cùng Đồng Nai, mà hãy đến cùng xây dựng chiến lược phát triển 100 năm tới tại Đồng Nai, vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH nhấn mạnh.

Tập trung “3 đột phá”

Tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai được tổ chức vào tháng 9-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Đồng Nai là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, duyên hải miền Trung. Tỉnh là “mắt xích” quan trọng trong liên kết vùng thông qua kết nối đa phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy và đặc biệt là Sân bay Long Thành.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (bìa phải) cùng đoàn công tác của tỉnh giám sát tại tuyến đường Hoàng Văn Bổn (thành phố Biên Hòa). Ảnh: P.Tùng

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (bìa phải) cùng đoàn công tác của tỉnh giám sát tại tuyến đường Hoàng Văn Bổn (thành phố Biên Hòa). Ảnh: P.Tùng

Cùng với đó, tỉnh có nhiều thế mạnh trải đều trên các lĩnh vực như: có diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái lớn, dẫn đầu cả nước về sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi quy mô công nghiệp; có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước, có thế mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa; có nguồn lực lao động dồi dào cho phát triển kinh tế.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến các cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Đồng Nai là vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; có hơn 3 triệu người, nguồn nhân lực dồi dào, dân số trẻ, nhiều khát vọng; là đầu mối giao thông quan trọng, đủ 5 phương thức vận tải; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; có truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng; lợi thế thiên nhiên đa dạng, phù hợp phát triển xanh, bền vững, toàn diện.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng cho rằng, việc có được một quy hoạch tốt là tiền đề để Đồng Nai “kết nối, hội nhập và cất cánh”. Để sớm hiện thực hóa quy hoạch, Đồng Nai cần chú trọng, tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá”. Trong đó, “1 trọng tâm” là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức… “2 tăng cường” gồm: tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người; tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và chuỗi, kết nối thị trường. Với “3 đột phá”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ đột phá phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ; đột phá thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển; đột phá đào tạo, thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xanh, nhanh, bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, không ai bị bỏ lại phía sau.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202501/dong-nai-huong-den-muc-tieu-tro-thanh-dia-phuong-phat-trien-top-dau-ca-nuoc-0bb2c53/
Zalo