Chuyển đổi xanh ở đầu tàu kinh tế cả nước

Phát triển bền vững và giảm tác động tiêu cực đến môi trường là chiến lược tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) đang hướng đến. Đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 4 từ phải qua) trao đổi cùng các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị chuyên đề Xu hướng net zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai (tháng 3-2024). Ảnh: H.Lộc

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 4 từ phải qua) trao đổi cùng các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị chuyên đề Xu hướng net zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai (tháng 3-2024). Ảnh: H.Lộc

Chiến lược là cơ sở để vùng ĐNB tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế cả nước.

Ưu tiên cho công nghiệp, nông nghiệp, đô thị

Nhiều năm nay, ĐNB là đầu tàu kinh tế của đất nước. Điều đó được thể hiện ở tăng trưởng kinh tế, đóng góp GDP, tỷ lệ đô thị hóa, thu nhập bình quân của người dân.

Một trong những trụ cột giúp vùng ĐNB vươn lên là công nghiệp. Đây là vùng có khu công nghiệp (KCN) sớm nhất cả nước và hiện dẫn đầu về số lượng KCN cũng như thu hút dự án đầu tư nước ngoài. Các KCN ngày càng phát triển mang tính chuyên sâu, điển hình như: KCN Amata, KCN công nghệ cao Long Thành (Đồng Nai), Khu công nghệ cao (Thành phố Hồ Chí Minh), KCN VSIP (Bình Dương)…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ, nhiều năm nay, tỉnh Đồng Nai ưu tiên thu hút dự án công nghiệp có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Các KCN hiện hữu từng bước được xanh hóa thông qua chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, cải tiến công nghệ để giảm phát thải và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng mật độ cây xanh. Các KCN mới phải theo 3 cấp độ: sinh thái, carbon thấp và phát thải ròng bằng 0.

Là vùng dẫn đầu về công nghiệp song nông nghiệp ở vùng ĐNB cũng phát triển mạnh mẽ và đang dịch chuyển theo hướng sinh thái, hữu cơ, bền vững trên cơ sở áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Nhiều địa phương trong vùng có khu nông nghiệp công nghệ cao và thu hút được nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia.

Dấu ấn trong sự phát triển vượt bậc ở vùng ĐNB còn là tỷ lệ đô thị hóa cao, gần 70%. Các đô thị trong vùng ngày càng hiện đại, gắn kết với nhau tạo đà cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Xu hướng phát triển các đô thị vệ tinh để vừa giảm tải cho đô thị lớn, lại vừa mở ra không gian phát triển kinh tế, văn hóa mới đang được chú trọng.

Vùng ĐNB chiếm 9% diện tích, 20% dân số cả nước. Năm 2024, tổng thu ngân sách của vùng chiếm hơn 42% cả nước, chiếm 31% kim ngạch xuất khẩu cả nước, dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Phát huy động lực mới

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm vùng ĐNB đang đẩy mạnh là cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm động lực. Vùng sẽ tập trung khai thác các ngành có thế mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao gắn với lợi thế từng địa phương. Chẳng hạn, Đồng Nai ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ nhằm khai thác tối đa lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế; Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia…

Các đô thị sẽ tiếp tục đầu tư theo hướng hiện đại, thông minh và kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, hình thành các đô thị ven sông, ven biển, ngoại thành để giải nén, giảm tải cho đô thị lớn và thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh. Chuyển đổi chức năng các KCN, khu chế xuất không phù hợp với quy hoạch như KCN Biên Hòa 1 ở Đồng Nai đang làm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐNB, nhiều lần nhấn mạnh, ĐNB là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, phát triển đất nước. Các tỉnh, thành trong vùng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, quan tâm giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng.

Mới đây nhất, tại Hội nghị Điều phối vùng ĐNB diễn ra vào đầu tháng 12-2024 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị vùng ĐNB phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và thời gian tới để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế; làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống là: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy hoàn thiện các dự án trọng điểm.

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham, khi phát biểu tại Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh năm 2024 ở Thành phố Hồ Chí Minh mới đây cho rằng, thúc đẩy các giải pháp hướng tới tương lai bền vững là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt mục tiêu net zero vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ. Đây cũng là cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Cộng đồng các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và sẽ đồng hành, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng nền kinh tế xanh ở các lĩnh vực khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, tài chính. Ông Bruno Jaspaert cho rằng, các nhà đầu tư châu Âu quan tâm đến những địa phương có môi trường đầu tư thông thoáng, có định hướng phát triển bền vững.

Với những lợi thế của một nền kinh tế năng động bậc nhất cả nước và nguồn nhân lực chất lượng cao, ĐNB hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò tiên phong trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202501/chuyen-doi-xanh-o-dau-tau-kinh-te-ca-nuoc-ccb2bd9/
Zalo