Nợ nần vì 'nghiện' máy gắp thú bông

Nhiều người trẻ Hong Kong chi hàng chục tới cả trăm triệu đồng vào trò chơi gắp thú bông, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng và rơi vào tình trạng nợ nần.

 Một số người chơi gắp thú bông ở Hong Kong mất kiểm soát đến mức rơi vào cảnh nợ nần. Ảnh: SCMP.

Một số người chơi gắp thú bông ở Hong Kong mất kiểm soát đến mức rơi vào cảnh nợ nần. Ảnh: SCMP.

Solo Young, 29 tuổi, làm việc trong ngành logistics tại Hong Kong (Trung Quốc), cho biết anh đã chi khoảng 50.000 HKD (khoảng 163 triệu đồng) trong 6 tháng qua để chơi gắp thú bông.

Với mức thu nhập hàng tháng là 21.000 HKD (khoảng 68 triệu đồng), Young đã không ngần ngại chi đến 1.000 HKD (3,2 triệu đồng) mỗi ngày cho trò gắp thú. Trong nửa năm, anh đã gắp được hơn 100 thú nhồi bông cùng các món đồ chơi nhỏ khác nhau, bao gồm những nhân vật yêu thích từ bộ truyện tranh Chiikawa và các nhân vật Disney như Duffy và Linabell.

“Ban đầu tôi chỉ muốn thử cho vui, nhưng càng chơi, tôi càng cảm thấy thú vị. Chẳng mấy chốc, tôi chơi mỗi ngày”, Young chia sẻ với SCMP.

 Cửa hàng máy gắp thú ở Causeway Bay, một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hong Kong. Ảnh: Nikkei Asia.

Cửa hàng máy gắp thú ở Causeway Bay, một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hong Kong. Ảnh: Nikkei Asia.

Young cho biết anh bị thu hút bởi trò chơi gắp thú bông vì chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ đã có cơ hội sở hữu những món đồ chơi giá trị, thậm chí có thể bán lại với giá cao hơn. Tuy nhiên, anh thừa nhận niềm đam mê này đã bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

"Những công việc và mục tiêu tôi lên kế hoạch đều bị trì hoãn hoặc bỏ dở", Young nói.

Hiện tại, anh đang cố gắng thanh lý những món đồ gắp được và đã bán đi 50 món, thu về khoảng 3.000 HKD (9,8 triệu đồng).

Máy gắp thú bông ngày càng trở nên phổ biến tại Hong Kong, đặc biệt là ở những khu vực đông đúc, nơi các gian hàng bị bỏ trống do thị trường bán lẻ suy yếu sau đại dịch Covid-19.

Một số người chơi đã dành nhiều thời gian và tiền bạc vào trò chơi này, với hy vọng có thể kiếm lời từ những món đồ chơi gắp được.

 Máy gắp thú bông ngày càng xuất hiện nhiều tại các khu vực sầm uất ở Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Máy gắp thú bông ngày càng xuất hiện nhiều tại các khu vực sầm uất ở Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Marco Chan, một người đam mê trò chơi gắp thú, cho biết anh chi khoảng 20.000-30.000 HKD (khoảng 65- 98 triệu đồng) mỗi năm cho trò chơi này. Chan thấy trò chơi thú vị, bởi chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ, anh có thể thắng được những món đồ trị giá hàng trăm HKD.

Khi đã trở nên thành thạo hơn, Chan bắt đầu đổi những món đồ chơi gắp được cho chủ máy để tiếp tục chơi. Đây là một xu hướng ngày càng phổ biến trong cộng đồng người chơi có kinh nghiệm.

Chan tỏ ra lạc quan về sở thích của mình, anh chia sẻ: "Nói nghiện thì có lẽ hơi quá. Mọi thứ đều có thể trở thành thói quen, kể cả việc ăn uống".

Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong, số lượng khiếu nại liên quan đến máy gắp thú bông đã tăng đáng kể trong năm nay. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm, đã có 42 khiếu nại được ghi nhận, trong khi cả năm 2023 chỉ có 16 khiếu nại.

Lawrence Lee Siu-ki, cố vấn tại Trung tâm tư vấn người nghiện cờ bạc Caritas, cảnh báo rằng một số người chơi đã mất kiểm soát đến mức rơi vào cảnh nợ nần.

 Nhiều người không ngần ngại chi một khoản tiền lớn, thậm chí vay nợ vì đam mê trò gắp thú bông. Ảnh: SCMP.

Nhiều người không ngần ngại chi một khoản tiền lớn, thậm chí vay nợ vì đam mê trò gắp thú bông. Ảnh: SCMP.

Ông chia sẻ về trường hợp của một cô gái ngoài 20 tuổi, đã vay hơn 100.000 HKD (khoảng 327 triệu đồng) để chơi gắp thú bông, và phải tiếp tục vay thêm tiền để trang trải cuộc sống.

“Cô ấy cảm thấy thất vọng khi không gắp được món đồ chơi mình yêu thích, dẫn đến việc chơi mất kiểm soát và chỉ dừng lại khi hết tiền", ông Lawrence chia sẻ.

Ông giải thích rằng xu hướng "nghiện" trò chơi gắp thú bông bắt nguồn từ một vòng lặp căng thẳng tâm lý. Người chơi thường cảm thấy bực tức, khó chịu và bị thôi thúc phải tiếp tục chi tiền cho đến khi đạt được phần thưởng. Khi có được món đồ mong muốn, họ sẽ cảm thấy hài lòng, nhưng rồi lại muốn có nhiều hơn, dẫn đến việc tiếp tục chơi.

Ông Lee cũng chỉ ra rằng trong những năm gần đây, nhiều máy gắp thú bông đã bắt đầu cung cấp những giải thưởng có giá trị cao, khiến ranh giới giữa trò chơi và cờ bạc càng trở nên mờ nhạt.

Ông kêu gọi các cơ quan chức năng tiến hành đánh giá toàn diện về ngành công nghiệp máy gắp thú bông, xem xét các yếu tố liên quan đến hoạt động vận hành, hành vi tiêu dùng và tâm lý người chơi, từ đó quyết định có cần thiết áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn đối với trò chơi này hay không.

Khi được hỏi về cách giúp người chơi tránh bị "nghiện", ông Lee khuyên những người đam mê trò chơi này "nên chấp nhận khả năng ra về tay trắng".

“Nếu cảm giác thất vọng hoặc tức giận kéo dài trong một thời gian, người chơi nên tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý”, ông nói thêm.

Tường Uyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/no-nan-vi-nghien-may-gap-thu-bong-post1520985.html
Zalo