Bảo hiểm phi nhân thọ cơ bản về đích

Mặc dù trong số 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không phải doanh nghiệp nào cũng vượt hay cán mốc doanh thu đã đưa ra theo kế hoạch, nhưng tính chung, con số khối này đạt được trong năm qua được nhìn nhận là tích cực.

Số thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 11/2024, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.961 tỷ đồng, tăng 13,1%, bồi thường bảo hiểm gốc ước đạt 20.944 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 29,1% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Còn theo một thống kê của Bộ Tài chính, doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2024 ước đạt 78.291 tỷ đồng.

Một trong những doanh nghiệp có đóng góp tích cực về tốc độ tăng trưởng doanh thu trong khối có thể kể đến hãng bảo hiểm đang giữ vị trí số 1 thị phần doanh thu tại thị trường phi nhân thọ Việt Nam là bảo hiểm PVI.

Theo số liệu báo cáo nhanh của Hiệp hội Bảo hiểm, hết tháng 11/2024, doanh thu bảo hiểm gốc của Bảo hiểm PVI là 12.492 tỷ đồng, chiếm 17,5% thị phần. Tốc độ tăng trưởng của Bảo hiểm PVI đạt hơn 27,1% cao hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của khối. Nếu xét về doanh thu bảo hiểm gốc, Bảo hiểm PVI đang là doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp gần 1/6 trên tổng doanh thu của toàn khối (hơn 30 doanh nghiệp).

Không chỉ là công ty bảo hiểm phi nhân thọ nhiều năm dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc, thành công ở mảng tái bảo hiểm đã đưa Bảo hiểm PVI giúp đưa tổng doanh thu toàn hệ thống của hãng bảo hiểm này đã cán mốc 20.000 tỷ đồng tính tới ngày 20/12/2024.

Trước đó, Bộ Tài chính dự kiến, năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 243.472 tỷ đồng (tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước), trong đó doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước). Như vậy, sau 11 tháng, khối bảo hiểm phi nhân thọ đã hoàn thành 98,2% kế hoạch năm.

Trong tổng doanh thu của bảo hiểm phi nhân thọ 11 tháng, 3 nghiệp vụ đóng góp chính, chiếm tới hơn 80% trên tổng doanh thu của khối vẫn là Bảo hiểm sức khỏe, Bảo hiểm xe cơ giới và Bảo hiểm tài sản.

Trong đó, Bảo hiểm sức khỏe (bao gồm bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe) đạt doanh thu đạt 26.188 đồng, chiếm tỷ trọng 36,4%, tăng 21,6% so với cùng kỳ; bồi thường 7.675 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 29,3%.

Bảo hiểm xe cơ giới doanh thu đạt 16.659 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,2% trong tổng doanh thu toàn thị trường; bồi thường 7.521 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 45,1%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 4.060 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,6%, tăng 9,6% so với cùng kỳ; bồi thường 779 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,2%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 12.599 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 17,5%; bồi thường 6.741 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 53,5%.

Bảo hiểm tài sản doanh thu đạt 19.463 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27%, tăng 10,5% so với cùng kỳ; bồi thường 3.427 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 17,6%.

Các nghiệp vụ còn lại như bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm tàu, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, bảo hiểm nông nghiệp... có tỷ trọng doanh thu còn thấp, nhưng cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác ngành bảo hiểm mới đây, bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều thách thức, hậu quả của bão Yagi tương đối nặng nề, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.

Cũng tại hội nghị tổng kết ngành bảo hiểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận nhìn nhận, thị trường bảo hiểm mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục duy trì năng lực tài chính và đạt được các kết quả theo hướng phát triển chất lượng hơn, minh bạch, bền vững hơn.

Năm 2025 tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng. Tuy nhiên, ông Cận tin rằng, cùng với các yếu tố nền tảng vĩ mô, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, thì định hướng chiến lược và khung khổ pháp lý mới tạo kỳ vọng lớn để thị trường bảo hiểm Việt Nam tạo được “cú huých” về quy mô và chất lượng phát triển trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Ngọc Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem-phi-nhan-tho-co-ban-ve-dich-post361004.html
Zalo