Năm 2025 vẫn khát nhân lực chất lượng cao
Thị trường lao động năm 2024 đã hồi phục đáng kể. Càng về cuối năm nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực càng gia tăng. Bước sang năm 2025 dự báo, tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao vẫn diễn ra. Đáng chú ý, gia tăng sự cạnh tranh lao động tay nghề cao và chiến lược giữ chân người tài trở nên quan trọng.
Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ
Đánh giá về bức tranh thị trường lao động năm 2024, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, cùng với sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, thị trường lao động đã hồi phục mạnh mẽ đặc biệt là trong những tháng cuối của quý IV/2024.
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, cùng với sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, tâm lý doanh nghiệp (DN) đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 ngày càng cải thiện. Theo đó, kỳ vọng tăng trưởng đang dần chuyển từ các kịch bản khiêm tốn sang những kịch bản tích cực. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, qua đó điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm khoảng 0,5 điểm % so với dự báo từ đầu năm 2024.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế dựa trên 3 trụ cột: Xuất khẩu - tiêu dùng - đầu tư, tạo động lực to lớn cho sự phục hồi của thị trường lao động Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Trong đó, DN trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, kinh doanh bất động sản thường có nhu cầu tuyển dụng cao hơn cả. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bất động sản ngày càng sôi động hơn vào những tháng cuối năm, từ đó kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng cao ở nhóm ngành này.
Thực tế, ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, cùng với các chính sách khôi phục nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ nhằm phục hồi kinh tế đã mang lại những kết quả tích cực giúp thị trường lao động năm 2023 từng bước ổn định và hồi phục dần vào cuối năm 2023. Bước sang năm 2024 thị trường lao động dần hồi phục và hồi phục mạnh mẽ vào những tháng cuối của quý IV.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, riêng trong quý III/2024, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, lao động có việc làm quý III/2024 đạt hơn 51,6 triệu người, tăng 114,6 nghìn người so với quý trước và tăng 244,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Hầu hết các nghề có triển vọng lương tích cực
Các chuyên gia nhận định những tín hiệu tích cực trong năm 2024 sẽ là bước đệm thúc đẩy thị trường lao động trong năm 2025 phát triển. Trong Hướng dẫn lương 2025 vừa được ra mắt, ManpowerGroup Việt Nam (công ty cung ứng giải pháp nhân sự) cho rằng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang phát triển mạnh mẽ ở tất cả các ngành. Kéo theo đó là ngày càng nhiều công ty đẩy mạnh ưu tiên nâng cấp công nghệ, số hóa, ứng dụng AI và tự động hóa, cũng như các thực hành bền vững. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng cao trong các lĩnh vực mới nổi như kỹ thuật số, môi trường - xã hội - quản trị (ESG), quản lý rủi ro và tuân thủ...
Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp bán dẫn nổi lên như một ngôi sao sáng. Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu, nhờ vào chi phí lao động cạnh tranh, các ưu đãi từ Chính phủ và sự gia tăng đầu tư nước ngoài.
“Năm 2025, tuyển dụng trong lĩnh vực bán dẫn sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính: Gia tăng nhu cầu kỹ sư có tay nghề; tăng cường chú trọng vào các vai trò nghiên cứu và phát triển (R&D) để thúc đẩy đổi mới và tập trung đầu tư phát triển nhân tài trong nước. Công nghiệp bán dẫn cũng là ngành được dự đoán chi trả mức thưởng hào phóng nhất trong năm 2025, lên đến 33% mức lương cả năm” - Hướng dẫn lương chỉ rõ.
Bên cạnh đó, yêu cầu về kỹ năng ngoại ngữ ngày càng tăng trong tuyển dụng. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, ngày một nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu nhân viên thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, ngoài các kỹ năng chuyên môn.
Theo Hướng dẫn lương 2025 của Manpower Group Việt Nam, triển vọng lương tích cực ở hầu hết ngành nghề. Mức lương tối thiểu ở phần lớn các công việc trong tất cả các lĩnh vực duy trì ổn định, ngoại trừ một vài vị trí có sự giảm nhẹ. Đáng chú ý, mức lương tối đa cho một số vị trí có trên 5 năm kinh nghiệm, được dự đoán trong năm 2025 sẽ tăng khoảng 500 USD mỗi tháng so với năm 2024.
Lĩnh vực tài chính - ngân hàng tiếp tục bỏ xa các ngành khác về mức lương, theo sau đó là số hóa và công nghệ. Nhân lực giữ vai trò điều hành (C-suite) và quản lý cấp cao ngành Tài chính – Ngân hàng có mức lương dao động từ 8.000 USD đến 15.000 USD mỗi tháng.
Mức tăng lương trung bình năm dự báo cũng sẽ phân hóa mạnh giữa các ngành. Lĩnh vực Logistics & Chuỗi cung ứng có mức tăng lương hàng năm cao nhất, trong khoảng 10% – 20%. Trái ngược, mức tăng lương ngành hàng tiêu dùng & Bán lẻ khá khiêm tốn, chỉ 3% - 7%.
Tình trạng thiếu nhân tài vẫn “nóng”
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, theo ông Simon Matthews - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, ManpowerGroup, thị trường nhân lực Việt Nam vẫn đối diện nhiều thách thức. Năm 2024 đầy biến động, với việc các “gã khổng lồ” toàn cầu tung ra các dự án trị giá hàng triệu USD và các tập đoàn công nghệ đầu tư thêm hàng tỷ USD. Dòng vốn này đang biến Việt Nam thành "ngôi nhà thứ hai" của nhiều DN nhờ vị trí chiến lược, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh, và chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, “tình trạng thiếu nhân tài, sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với những người lao động có tay nghề cao, và nhu cầu về các chiến lược giữ chân hiệu quả hiện trở nên quan trọng hơn bao giờ hết” - ông Simon Matthews nhấn mạnh.
Thực tế mặc dù thị trường lao động Việt Nam đã có khởi sắc, nhưng các chuyên gia dự đoán thị trường khó có thể tăng trưởng mạnh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn ở trong thế bị “kìm kẹp” trước diễn biến suy thoái toàn cầu kéo dài từ năm 2023 vẫn đang diễn ra và tình trạng thất nghiệp. Bên cạnh đó điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực vẫn tiếp tục là điểm trừ cho thị trường lao động của Việt Nam trong năm 2025. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy nhiều ngành thiếu nhân lực trầm trọng trong khi số người thất nghiệp vẫn không giảm.
Về chất lượng nguồn nhân lực, theo ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thị trường lao động đã và đang ở xu hướng phục hồi, tuy nhiên chất lượng lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Chính vì vậy, để ổn định thị trường lao động, theo các chuyên gia cần tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao, thu hút nhiều lao động. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn...
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội:
Cần nhiều yếu tố để phục hồi thị trường lao động
Để giữ ổn định cung – cầu thị trường lao động, vấn đề đào tạo và phát triển kĩ năng cho người lao động rất quan trọng. Trong khi đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và xu hướng chuyển đổi số đòi hỏi lao động phải có các kỹ năng chuyên sâu và cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm cũng là giải pháp hiệu quả để tạo cầu nối doanh nghiệp và người lao động.