Nỗ lực xây dựng trường học số
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) TS. Nguyễn Sơn Hải cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ triển khai nhiều dự án để thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành, hướng đến xây dựng mô hình trường học số.
Quản lý số, giảm áp lực hồ sơ
Thời gian qua, ngành giáo dục đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và giảng dạy. Các nhà trường được đầu tư trang bị máy tính, ti vi, kết nối mạng internet tốc độ cao đến từng lớp học. Hiện nay, 100% giáo viên sử dụng giáo án điện tử, chữ ký số, các kế hoạch, văn bản điều hành đều sử dụng văn bản mềm, không dùng văn bản giấy.
Cô giáo Nguyễn Thị Hường, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh (Nậm Lùn, Lai Châu) cho hay cô đã ứng dụng chuyển đổi số vào giảng dạy gần 10 năm nay. Ngoài soạn giáo án trên máy tính, cô Hường còn sử dụng công nghệ thông tin trong các tiết dạy qua việc sưu tầm, lồng ghép tranh ảnh, hoạt hình, nhằm tăng tính sinh động, hấp dẫn cho bài giảng. Qua đó, học sinh hứng thú với bài học hơn, chăm chỉ đến trường và có động lực trong học tập; chất lượng giáo dục chuyển biến rõ rệt. 100% giáo viên cùng trường cô Hường đã soạn giáo án thuần thục trên máy tính và ứng dụng công nghệ thông tin nhuần nhuyễn vào giảng dạy, đánh giá, nhận xét học sinh bằng học bạ điện tử…
Năm học 2023 - 2024 , Trường THCS Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) triển khai lắp đặt máy quét thẻ từ để quản lý chuyên cần của học sinh. Cụ thể, nhà trường triển khai lắp đặt 9 máy quét ở những vị trí thuận lợi từ cổng trường cho đến các hành lang lớp học. Với phương pháp này, giáo viên sẽ dễ dàng tổng hợp, báo cáo chi tiết thời gian ra, vào của học sinh. Từ đó, việc quản lý học sinh của Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm trở nên dễ dàng.
Không chỉ trong công tác giảng dạy hay quản lý học sinh, mà trong buổi họp phụ huynh đầu năm học của lớp 3A5, Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) phụ huynh cũng được khuyến khích tham gia trò chơi để tìm hiểu về nội quy của nhà trường và lớp học. Mỗi phụ huynh một mã số trên ứng dụng, liên tục chọn lựa các đáp án với tâm trạng đầy hào hứng; chị Nguyễn Thị Mai, phụ huynh của lớp chia sẻ, các buổi họp phụ huynh lâu nay thường khiến phụ huynh e ngại do nhàm chán, thế nhưng, khi ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động trao đổi, buổi họp đầu năm đã trở nên thú vị hơn nhiều.
Thực tế triển khai cho thấy, chuyển đổi số đã giúp ngành giáo dục thay đổi mạnh mẽ trong giảng dạy và có bước tiến dài trong quản lý. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) TS. Nguyễn Sơn Hải nhận định, chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay còn gặp không ít khó khăn.
Nhận thức đúng, kết nối thông suốt
Hiện nay tài nguyên số dùng chung chưa hoàn thiện, chất lượng nhiều tài nguyên số chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên Nguyễn Văn Hưng, tại địa phương này hiện có hai cơ sở dữ liệu nên phần nào khó khăn trong công tác thống kê. “Chúng tôi rất mong muốn có nền tảng dùng chung, hệ thống cơ sở dữ liệu nhà trường thống nhất trên toàn quốc để tạo sự đồng bộ và xây dựng cơ sở dữ liệu chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo” - ông Hưng nói.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc thì cho hay, vấn đề thành phố đang gặp phải là có nhiều đơn vị cung cấp các dịch vụ phần mềm, trong đó có nhiều mảng trùng nhau, chồng chéo… Bên cạnh phần mềm dùng chung, các địa phương cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố kế hoạch, lộ trình rõ ràng về những phần việc, nhiệm vụ Bộ sẽ triển khai và những nội dung địa phương phải thực hiện.
Điều quan trọng là nhận thức đúng về vị trí, vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và việc trang bị kiến thức, kỹ năng số chưa đến được tất cả cán bộ quản lý giáo dục, người dạy, người học. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, hiện trong ngành vẫn có nơi chưa hiểu rõ về chuyển đổi số. Điều này dẫn đến việc thực hiện chưa đúng hoặc bị động trong triển khai các công việc liên quan.
“Chuyển đổi số là đưa những thực thể lên môi trường số, không còn giới hạn về không gian, thời gian, số người sử dụng, số lần sử dụng. Việc phải in học bạ để ký sau đó lại scan để lưu trữ trên máy tính không phải là chuyển đổi số mà chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin. Khi dữ liệu thông tin được cập nhật và xử lý trên máy tính mới là chuyển đổi số” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai nhiều dự án với hàng loạt kế hoạch để thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành. Trong đó, Bộ dự kiến cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục (phổ thông, mầm non). Phần mềm này đáp ứng yêu cầu quản trị cơ bản nhà trường, đáp ứng chuẩn dữ liệu của bộ và kết nối 100% dữ liệu với cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang nâng cấp, mở rộng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông cung cấp miễn phí cho các sở, phòng giáo dục và đào tạo trên cả nước, phục vụ quản lý, điều hành giáo dục trên môi trường số; cung cấp trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu trong ngành giáo dục bảo đảm kết nối đầy đủ và thông suốt dữ liệu quản lý ngành. Bộ cũng đang làm thủ tục để ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của cơ sở giáo dục.
Liên quan đến dạy và học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến (LMS) dùng chung để cung cấp miễn phí tới các trường phổ thông và có kế hoạch kho học liệu số dùng chung. Kho học liệu bao gồm bài giảng điện tử từ lớp 1 đến lớp 12, do các trường đại học sư phạm xây dựng, nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận nội dung giáo dục tới tất cả học sinh, đặc biệt là học sinh ở khu vực còn khó khăn.
Đối với giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng các trường đại học xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở, dùng chung cho các trường đại học (MOET-MOOC). Có 7 nhóm ngành đào tạo sẽ do 7 cơ sở đào tạo chủ trì, phối hợp với các trường liên quan tham gia xây dựng và sử dụng chung trên hệ thống.
Các cơ sở đào tạo có thể công nhận tín chỉ lẫn nhau của các khóa học trực tuyến trên hệ thống (sinh viên của trường này có thể học khóa học của trường khác nếu được công nhận tín chỉ). “Bộ cũng đang xây dựng và chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số”, TS. Nguyễn Sơn Hải thông tin.