Nỗ lực 'trả lại tên' và đưa các anh về quê nhà

Để có được hòa bình, độc lập dân tộc và cuộc sống ấm no như ngày hôm nay, lớp lớp thế hệ cha ông, các anh hùng, chiến sĩ yêu nước đã mãi mãi nằm xuống nơi chiến trường xưa. Trong số đó, không ít hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy hoặc chưa xác định được thông tin.

Phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì là một trong những địa phương tiêu biểu làm tốt công tác tổ chức lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ chu đáo, trang nghiêm, đúng quy định.

Phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì là một trong những địa phương tiêu biểu làm tốt công tác tổ chức lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ chu đáo, trang nghiêm, đúng quy định.

Thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu: “...Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần...”, những năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) tỉnh đã phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể, địa phương nỗ lực kết nối hỗ trợ các thân nhân, gia đình liệt sĩ trong việc tìm kiếm, đính chính thông tin sai lệch để “trả lại tên” cho các anh. Với phương châm hoạt động “Thiện nguyện – Tâm huyết - Nghĩa tình - Hiệu quả”, các hoạt động của Hội đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, trở thành cầu nối tri ân các gia đình liệt sĩ.

Đón các anh về với quê hương

Trong tiết trời lạnh giá của những ngày cuối năm 2023, gia đình, người thân, đồng đội, bà con lối xóm của Liệt sĩ Nguyễn Văn Đồng ở phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì thêm ấm lòng khi ước nguyện đưa hài cốt của liệt sĩ về với quê hương đã hoàn thành. Tháng 4/1966, anh Nguyễn Văn Đồng tình nguyện lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược khi mới tròn 18 tuổi để lại phía sau bố mẹ, người thân và bạn bè cùng trang lứa với bao dự định ước mơ...

Những ngày huấn luyện gấp gáp, chuẩn bị bổ sung cho chiến trường, anh viết khá nhiều thư gửi về cho gia đình. Những bức thư thưa dần và bỗng dưng biến mất. Đó là lúc anh bước vào cuộc chiến cam go, ác liệt Tết Mậu Thân năm 1968 và đã anh dũng ngã xuống khi mới tròn 20 tuổi.

Hành trình tìm mộ và đưa anh về đầy gian nan do thiếu thông tin, thông tin không chính xác. Trong giấy báo tử ghi hy sinh ngày 24/01/1968 tại mặt trận phía Nam, đơn vị hy sinh KN. Sau khi giải mã kí hiệu quân sự, phiên hiệu đơn vị là F1/QK5. Tra cứu trong tài liệu tìm kiếm của Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ thì có Liệt sĩ Nguyễn Thành Đồn, sinh năm 1948, quê quán Thành Mỹ - Việt Trì - Vĩnh Phú an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.

Nhờ đồng đội và các cơ quan chức năng, bằng phương pháp thực chứng và đối khớp các tài liệu khẳng định đây chính là ngôi mộ của Liệt sĩ Nguyễn Văn Đồng được quy tập về từ năm 1977. Việc đính chính, bổ sung thông tin trong hồ sơ và bia mộ được gia đình và cơ quan chức năng phối hợp triển khai. Nhờ đó, tên tuổi, quê quán của Liệt sĩ đã được trả lại đầy đủ, là cơ sở để gia đình thăm viếng và đưa anh về đất mẹ sau 55 năm yên nghỉ cùng đồng đội.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, biết bao người con ưu tú quê hương Đất Tổ đã lên đường nhập ngũ, trực tiếp cầm súng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, trong đó có thanh niên Phạm Văn Phán sinh năm 1951 ở khu 8, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông.

Năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị D5, K5. Năm 1971, trong một chiến dịch diễn ra tại Mặt trận phía Nam, anh đã anh dũng hy sinh, sau đó được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị. Sau hơn 50 năm hy sinh, được sự giúp đỡ của ngành LĐ,TB&XH tỉnh Phú Thọ và tỉnh Quảng Trị, huyện Tam Nông và sự vào cuộc hỗ trợ trực tiếp của Chi hội HTGĐLS huyện Thanh Thủy, Chi hội HTGĐLS huyện Tam Nông trong việc đính chính thông tin sai lệch trên bia mộ, hài cốt Liệt sĩ Phạm Văn Phán đã được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà, đáp ứng niềm mong mỏi của gia đình liệt sĩ.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp liệt sĩ hy sinh bị thiếu, sai lệch thông tin, gây khó khăn cho việc xác định danh tính, di chuyển hài cốt về quê nhà theo nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sĩ. Những năm qua, một số thân nhân, gia đình liệt sĩ đến Hội HTGĐLS tỉnh xin giấy xác nhận nơi hy sinh của người thân đã không thể có thêm thông tin về liệt sĩ do nhiều đơn vị quân đội chưa giải mã ký hiệu quân sự, phiên hiệu đơn vị.

Nhiều gia đình hy vọng vào phương pháp xác định danh tính bằng giám định ADN, tuy nhiên xương cốt liệt sĩ đã bị phân hủy qua năm tháng. Cũng có nhiều gia đình chờ đợi bao năm vẫn không nhận được thông báo kết quả giám định của cơ quan chức năng...

Liệt sĩ Bùi Quang Căn ở xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao đã được đưa về an táng tại quê nhà sau 56 năm hy sinh.

Liệt sĩ Bùi Quang Căn ở xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao đã được đưa về an táng tại quê nhà sau 56 năm hy sinh.

Tích cực hỗ trợ, đính chính thông tin

Thời gian qua, mặc dù công tác tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ thân nhân, gia đình liệt sĩ trên địa bàn tỉnh tìm kiếm, đính chính thông tin, di chuyển hài cốt liệt sĩ gặp không ít khó khăn, trở ngại, song nhiều chi hội HTGĐLS cấp huyện đã tích cực kết nối với các cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh để đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương. Điển hình như Chi hội HTGĐLS huyện Thanh Thủy với sự vào cuộc tích cực, trực tiếp của CCB Lê Thị Tâm - Chi hội trưởng đã luôn nhiệt tâm, gương mẫu, hết lòng vì liệt sĩ, gia đình liệt sĩ. CCB Lê Thị Tâm - Chi hội trưởng chia sẻ: “Xuất phát từ sự trăn trở của toàn xã hội khi chiến tranh đã lùi xa nhưng còn nhiều gia đình chưa biết được thông tin về sự hy sinh và phần mộ của người thân, nhiều liệt sĩ còn sai lệch thông tin, vì nghĩa tình đồng đội, 10 năm qua, Chi hội đã tư vấn về các chế độ chính sách liên quan đến liệt sĩ và gia đình liệt sĩ cho trên 1.000 người là thân nhân, gia đình liệt sĩ ở 9 xã, thị trấn trong huyện; đính chính thông tin sai lệch trên bia mộ cho trên 80 trường hợp; đề nghị Ban Chính sách (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) xác nhận thông tin nơi liệt sĩ hy sinh trên 200 trường hợp.

Chi hội đã tổ chức 37 lần trực tiếp đi đến trên 600 nghĩa trang liệt sĩ từ Bắc vào Nam, sang nước bạn Campuchia để thu thập thông tin, chụp ảnh gần 3.000 phần mộ liệt sĩ của tỉnh. Chi hội phối hợp cùng các gia đình liệt sĩ huyện Thanh Thủy và Tam Nông đón gần 60 hài cốt liệt sĩ về quê hương; vận động, ủng hộ gần 1,2 tỷ đồng hỗ trợ các hoạt động tri ân”.

Cùng với sự vào cuộc tích cực, nghiêm túc của Chi hội HTGĐLS huyện Thanh Thủy, chưa năm nào công tác tư vấn, hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sĩ lại sôi nổi và đạt được nhiều kết quả như năm 2024. Hội HTGĐLS tỉnh và các chi hội cấp huyện đã tư vấn, hỗ trợ các thủ tục đính chính thông tin, xác nhận mộ và phối hợp với ngành LĐ,TB&XH tư vấn, hỗ trợ cho các gia đình di chuyển 57 hài cốt liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang quê nhà, trong đó có tới 90% hài cốt bị sai lệch thông tin được đính chính.

Trong năm, chúng tôi cũng đã tìm kiếm và thông báo, chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội cho trên 400 bia mộ liệt sĩ quê Phú Thọ, trong đó có 81 phần mộ liệt sĩ bị sai, lệch, thiếu thông tin được nhiều người quan tâm, chia sẻ và kết nối với gia đình liệt sĩ; tư vấn, hỗ trợ giám định ADN cho 4 trường hợp; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh cho 167 trường hợp và sửa đổi, bổ sung thông tin hồ sơ liệt sĩ 69 trường hợp...

Từ những kết quả trên cho thấy, mặc dù là một tổ chức xã hội tự nguyện, tự chủ, nhưng với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, các thành viên của Hội HTGĐLS tỉnh đã thực sự trở thành cánh tay nối dài của Đảng, Chính phủ trong công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ sau chiến tranh.

Đại tá Phạm Quyết Chiến - Chủ tịch Hội HTGĐLS tỉnh cho biết: “Cùng với những kết quả đạt được, hoạt động của Hội còn gặp một số khó khăn như: Việc phối hợp tổ chức lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ ở một số xã chưa khoa học. Một số trường hợp Hội tư vấn lấy mẫu sinh phẩm đối chứng với bia mộ thiếu thông tin, nhưng Cục Người có công và các cơ quan, đơn vị có liên quan thông báo kết quả chậm. Một số mã ký hiệu như: MTB, KBM, P1, P2, PG... hiện chưa được giải mã. Một số mộ liệt sĩ tuy có hài cốt, nhưng còn thiếu, sai, lệch thông tin, cần phải phân tích, đánh giá nhận định hết sức khoa học, tỷ mỷ, cụ thể và cần nhiều thời gian, nhiều cơ quan, đơn vị hợp tác...”.

Để làm tốt hơn nữa công tác tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, thời gian tới Hội HTGĐLS tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tri ân và tôn vinh liệt sĩ, gia đình liệt sĩ bằng các nhiệm vụ cụ thể như: Tìm kiếm, chia sẻ thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Tra cứu, xác minh và thông báo một số ngôi mộ thiếu, sai, lệch thông tin trả lại tên cho liệt sĩ. Các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị có liên quan, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của MTTQ, các ban chỉ đạo của tỉnh giao cho để làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”; tư vấn, hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê nhà.

Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, từ đó góp phần xoa dịu nỗi đau, sự mất mát cho thân nhân, gia đình liệt sĩ.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/no-luc-tra-lai-ten-va-dua-cac-anh-ve-que-nha-224933.htm
Zalo