Nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững
Để chủ động đón các nhà đầu tư lớn, trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn.

Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN phát triển bền vững. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Nhà máy sữa Vinamilk (KCN Mỹ Phước)
Tín hiệu tích cực
4 tháng đầu năm 2025, Bình Dương thu hút trên 60.649 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Lũy kế đến hết tháng 4-2025, toàn tỉnh có 77.605 doanh nghiệp (DN) trong nước với số vốn đăng ký hơn 873.071 tỷ đồng. Đa số các dự án trong nước đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), phần lớn sản xuất mặt hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo.
Với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bình Dương là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Trong 4 tháng đầu năm 2025, Bình Dương thu hút hơn 737 triệu đô la Mỹ vốn FDI, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh thu hút 4.488 dự án FDI, với tổng vốn 42,7 tỷ đô la Mỹ.
Những kết quả nói trên là tín hiệu tích cực cho dòng vốn đầu tư vào tỉnh trong năm 2025. Cùng với đó, khu vực vốn FDI tiếp tục đầu tư dây chuyền máy móc mới, hiện đại hơn, mở rộng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất. Ông Yu Zhi Min, Giám đốc Tập đoàn Midea, cho biết Midea đầu tư vào Bình Dương từ năm 2007. Những năm qua, hai nhà máy của tập đoàn tại KCN Việt Nam - Singapore I và KCN Mỹ Phước III hoạt động sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả và phát triển mạnh mẽ; doanh thu năm 2024 của các nhà máy tăng hơn 50% so với năm 2023. Tập đoàn đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn của Bình Dương. Media sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm nhà máy tại Bình Dương trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo tỉnh, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì kết quả đạt được trong thu hút vốn FDI và vốn đầu tư trong nước cho thấy Bình Dương vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Điều này cũng cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh doanh tốt đẹp tại Bình Dương của các nhà đầu tư.
Nỗ lực đồng hành
Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, Bình Dương vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình phát triển, đòi hỏi sự đồng hành, nỗ lực hơn nữa từ cả phía chính quyền lẫn DN. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều biến động, nhiều DN phải giảm công suất hoặc tạm ngừng hoạt động. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh có hơn 300 DN giải thể, với số vốn giải thể là 1.552 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác, thu hút nguồn vốn đầu tư, cũng như thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt các hiệp hội ngành hàng và các hiệp hội đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết các cấp, các ngành sẽ nỗ lực hết sức để đồng hành cùng DN, nhà đầu tư trong quá trình phát triển; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt giải quyết những vướng mắc về điện, thủ tục đầu tư, hỗ trợ DN giải quyết khó khăn, vướng mắc để yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Bình Dương đang đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh những giải pháp nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, Bình Dương đã và đang đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.
Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng DN của tỉnh trong thời gian qua, các DN nói chung và DN hoạt động trong các KCN trên địa bàn Bình Dương nói riêng vẫn giữ được nhịp sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng các sản phẩm, đóng góp cho tăng trưởng chung của tỉnh. Ông Trương Văn Phong, Phó trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh, cho biết các KCN trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để đón thêm dự án đầu tư ngày càng chất lượng. Cùng với đó, các KCN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ DN, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2025.
Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với quyết tâm cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho nhà đầu tư. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, tạo đà phát triển cho cả giai đoạn; tiếp tục kiên trì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng DN…
Trong 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,86%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11 tỷ 687 triệu đô la Mỹ, tăng 9%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8 tỷ 118 triệu đô la Mỹ, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2024. Thặng dư thương mại đạt trên 3,5 tỷ đô la Mỹ. Tỉnh cũng thu hút được 60.649 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng 50,9% và 737 triệu đô la Mỹ vốn FDI, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳnăm 2024.