Nỗ lực tạo việc làm tăng thêm
Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp tạo việc làm tăng thêm và kéo giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã gặt hái được những kết quả thiết thực, có khả năng đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Vượt chỉ tiêu
Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đặt mục tiêu số người lao động (NLĐ) có việc làm tăng thêm bình quân hàng năm hơn 11,5 nghìn người; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 3,8%. Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, toàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kêu gọi đầu tư, ổn định hoạt động sản xuất, tạo thời cơ tốt cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đưa các dự án trọng điểm đi vào hoạt động, tuyển dụng lao động, thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động. Cùng với đó, các địa phương chủ động xây dựng, ban hành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm của địa phương. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách về lao động, việc làm với những nội dung mới đáp ứng thực tiễn, phù hợp với quy định, hướng dẫn của Trung ương. Trong đó, ngày 28-3-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và được triển khai quyết liệt trên toàn tỉnh.
Từ những chính sách, giải pháp đó, chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm đều tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2021 có 5.900 người (do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới), năm 2022 có 16.560 người, năm 2023 có 18.046 người và 8 tháng năm 2024 có 12.580 người (dự kiến đến cuối năm 2024 đạt 17.000 người). Như vậy, bình quân mỗi năm toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho 13.272 người, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Cùng với đó, giải pháp trong thực hiện chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được thực hiện hiệu quả. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã đưa gần 1.000 người đi làm việc ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Khi chính sách tạo việc làm tăng thêm đạt kết quả cao thì tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị giảm dần. Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 6,85%, năm 2022 là 3,96%, năm 2023 là 3,4% và dự kiến cuối năm 2024 đạt dưới 3,2%, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã tích cực vào cuộc, rà soát, tư vấn, thực hiện đồng bộ các chính sách việc làm.
Bà Nguyễn Đình Hồng Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, để giải quyết việc làm cho NLĐ, ngoài duy trì sàn giao dịch việc làm hàng ngày tại trung tâm, đơn vị còn đổi mới và mở rộng các phiên giao dịch đến cấp huyện, cấp xã để tư vấn, kết nối việc làm trực tiếp cho người dân. Hàng tháng, đơn vị còn mở phiên giao dịch kết nối trực tuyến với các trung tâm dịch vụ việc làm khu vực miền Trung và Tây Nguyên để kết nối việc làm cho NLĐ. Hàng quý, trung tâm chủ động khảo sát nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, nhu cầu việc làm của NLĐ để kết nối cung - cầu. Với những giải pháp trên, năm 2021, đơn vị đã tư vấn việc làm cho 16.723 lượt người; năm 2022 tư vấn cho 19.687 lượt người; năm 2023 tư vấn cho 18.790 lượt người và 8 tháng năm 2024 tư vấn cho 6.008 lượt người…
Tạo việc làm bền vững cho người dân
Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh, vấn đề đảm bảo phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm bền vững, ổn định và nâng cao mức sống của người dân luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu. Để thực hiện vượt cao chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về tạo việc làm tăng thêm và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện chính sách về việc làm, thị trường lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Cùng với đó, tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” với quyết tâm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo kết nối thông tin thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, triển khai hiệu quả các chính sách đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất thực hiện các dự án trọng điểm; đa dạng công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho người dân; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực thuộc các ngành, nghề trọng điểm của tỉnh.
Bên cạnh đó, chú trọng thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động, tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp; kịp thời đưa ra dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, giúp NLĐ lựa chọn và quyết định học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp; hỗ trợ, cung cấp việc làm cho NLĐ thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ tín dụng chính sách thông qua hoạt động cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đẩy mạnh công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với thông tin thị trường lao động; thực hiện đồng bộ các dự án, tiểu dự án về tạo việc làm bền vững cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về việc làm, lao động.
Bà Nguyễn Đình Hồng Loan cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ; nâng tần suất phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến tại cơ sở; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm để NLĐ dễ dàng tiếp cận cơ hội việc làm. Cùng với đó, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động khi thất nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động…