Đại biểu Quốc hội: Doanh nghiệp tư nhân cần cơ chế hơn tiền

Theo đại biểu Quốc hội, thủ tục hành chính rườm rà đã gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

 Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng doanh nghiệp tư nhân có thể không cần tiền, nhưng họ rất cần cơ chế. Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng doanh nghiệp tư nhân có thể không cần tiền, nhưng họ rất cần cơ chế. Ảnh: Quochoi.

Chiều 4/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Doanh nghiệp tư nhân cần cơ chế, không phải tiền

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) bày tỏ lo ngại khi tốc độ tăng vốn của đầu tư tư nhân giảm, chỉ đạt khoảng 7% trong 9 tháng đầu năm nay, bằng một nửa so với giai đoạn trước.

Ông cho rằng đây là một nghịch lý khi đầu tư công vẫn chưa thực sự dẫn dắt được đầu tư tư nhân, dù nguồn lực công lên đến hơn 800.000 tỷ đồng đã được đổ vào các dự án hạ tầng lớn, đặc biệt là giao thông.

Theo ông, dù có nhiều chương trình và đề án đang được triển khai, điểm nghẽn lớn nhất vẫn nằm ở thủ tục hành chính. "Doanh nghiệp tư nhân có thể không cần tiền, nhưng họ rất cần cơ chế", ông nhấn mạnh.

Do đó, ông đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này. Đối với các công trình trọng điểm quốc gia, ông đề xuất mạnh dạn giao cho doanh nghiệp tư nhân đảm nhận, vì sự tham gia của họ sẽ giúp tăng tỷ trọng đầu tư tư nhân trong toàn xã hội.

"Rất nhiều thông tin liên quan đến doanh nghiệp rút, doanh nghiệp gia nhập, nhưng tôi cho rằng các doanh nghiệp thực chất hoạt động như thế nào, đóng góp thuế ra làm sao mới là vấn đề quan trọng", ông nói.

Bên cạnh khu vực tư nhân, ông Trịnh Xuân An còn đề xuất "cởi trói" về thủ tục cho các doanh nghiệp Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, để có thể góp phần vào sự vươn mình của đất nước.

"Để thực sự vươn xa, chúng ta cần có những doanh nghiệp mạnh và tốt, vì chỉ những người khỏe mới có thể gánh vác được sứ mệnh này", ông nói thêm.

Sức khỏe doanh nghiệp vẫn đáng lo ngại

Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam (tỉnh Hậu Giang), năm 2024 dù đạt được một số kết quả quan trọng, vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều rủi ro, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; chi phí sản xuất cao và sức mua trong nước tăng chậm.

Đặc biệt, bà nhấn mạnh tình trạng mua bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng trên các nền tảng xã hội đã gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, bà Lam đề nghị Chính phủ xây dựng nền nông nghiệp có giá trị cao hơn và phát triển bền vững, tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, thí điểm xây dựng các sàn giao dịch nông sản trên các trang thương mại điện tử quốc tế uy tín nhằm đưa nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu.

 Nhiều đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Quochoi.

Nhiều đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Quochoi.

Là một trong những tỉnh ảnh hưởng nặng nề từ bão Yagi, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (tỉnh Quảng Ninh) cho biết cơn bão đi qua đã để lại cảnh hoang tàn, nhiều nhà máy, công trường, khu nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền... bị hư hại nặng nề.

Trước tình hình đó, bà đề nghị Chính phủ cần quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại.

Theo bà Hà, các cơn bão lớn đã gây tổn thất nặng nề cho nhiều ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có chính sách khoanh nợ cho các lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các đối tượng chính sách, mà chưa có chính sách khoanh nợ cho những khách hàng vay vốn trong các ngành, lĩnh vực khác bị ảnh hưởng.

Vì vậy, bà đề xuất Chính phủ xem xét cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị thiệt hại. Đồng thời, cần có cơ chế cho vay không cần tài sản đảm bảo, cũng như quy định riêng về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/dai-bieu-quoc-hoi-doanh-nghiep-tu-nhan-can-co-che-hon-tien-post1508806.html
Zalo