Doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia: Lan tỏa tính bền vững trong tương lai

Bộ Công Thương cho biết năm 2024 có 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024 và tiếp tục gia tăng so với kỳ xét chọn lần thứ 8 năm 2022

Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9, năm 2024 với chủ đề: “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh”. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9, năm 2024 với chủ đề: “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh”. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm được xét chọn đạt thương hiệu quốc gia năm 2024 tiếp tục gia tăng so với kỳ xét chọn lần thứ 8 năm 2022.

Đặc biệt, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia đã khẳng định vai trò tiên phong trong ngành, lãnh vực của mình bằng những hành động cụ thể để hướng tới kỷ nguyên xanh.

Vươn mình tiến vào "kỷ nguyên xanh”

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào sân chơi quốc tế, các thị trường phát triển ngày càng yêu cầu cao về sản xuất và thương mại gắn liền với phát triển bền vững. Đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện những cam kết mạnh mẽ về kinh tế Xanh và tham gia tích cực vào cuộc đua giảm phát thải carbon. Tại hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển kinh tế Xanh và kinh tế tuần hoàn, sẵn sàng góp phần vào giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng thể hiện cam kết này qua các hiệp định thương mại tự do mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA), trong đó yêu cầu sản xuất Xanh là điều kiện tiên quyết để tham gia.

Các hiệp định này có những tiêu chí khắt khe về bảo vệ môi trường, là động lực để các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng Xanh, nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều này không chỉ giúp Việt Nam phát triển bền vững mà còn củng cố hình ảnh một quốc gia cam kết bảo vệ môi trường trong mắt các đối tác quốc tế.

Hệ thống tiêu chí lựa chọn sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia của Việt Nam cũng được xây dựng chặt chẽ, nghiêm ngặt, yêu cầu các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và ứng dụng những công nghệ Xanh, thân thiện với môi trường trong toàn bộ quy trình sản xuất. Nhiều doanh nghiệp Việt đã hưởng ứng xu hướng này bằng cách coi đầu tư sản xuất xanh là chiến lược phát triển với lợi thế cạnh tranh dài hạn, từ đó đóng góp vào sứ mệnh xây dựng thương hiệu Việt thân thiện và có trách nhiệm với môi trường.

 Các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia của TH đã từng được giành được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín khác như như các giải sản phẩm xuất sắc tại World Food Moscow nhiều năm liên tiếp, ASEAN Best Food Product 2015, Gulfood Dubai 2016, Stevie Awards 2018, China-Asean Expo 2024... (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia của TH đã từng được giành được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín khác như như các giải sản phẩm xuất sắc tại World Food Moscow nhiều năm liên tiếp, ASEAN Best Food Product 2015, Gulfood Dubai 2016, Stevie Awards 2018, China-Asean Expo 2024... (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH cho biết trên hành trình nâng tầm thương hiệu Việt để "sánh vai với các cường quốc năm châu", TH luôn khẳng định chất lượng và uy tín của các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, cũng như cam kết hướng tới phát triển xanh.

Với tư duy Trân quý Mẹ Thiên nhiên, Tập đoàn TH xác định ngay từ khi thành lập là thực hành mô hình kinh tế xanh-kinh tế tuần hoàn theo hướng phát triển bền vững. Chính sách Phát triển bền vững của Tập đoàn gồm 6 trụ cột: Dinh dưỡng-Sức khỏe, Môi trường, Giáo dục, Con người, Cộng đồng, Phúc lợi động vật. Trong đó, hai trụ cột đầu tiên là Dinh dưỡng-Sức khỏe và Môi trường quy định rất nhiều về thực hành các yếu tố xanh, thân thiện môi trường, giảm phát thải trong quá trình chế biến, sản xuất, phát triển sản phẩm.

Không chỉ riêng 14 sản phẩm/nhóm sản phẩm vừa đạt Thương hiệu quốc gia 2024, toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm TH đều tuân thủ các yêu cầu này. Điều này giúp TH dễ dàng hơn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt về môi trường trong các hiệp định thương mại trên thế giới, từ đó mở rộng cơ hội xuất khẩu.

Từ chính sách phát triển bền vững với 6 trụ cột, TH đề ra các chiến lược cắt giảm, chuyển đổi và hấp thu và đạt thành quả ở nhiều lĩnh vực: xử lý chất thải và nước thải, sản xuất năng lượng sạch, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu rác thải, đẩy mạnh các giải pháp tiêu dùng thân thiện với môi trường, lan tỏa và khuyến khích lối sống “xanh” hơn, thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)...

Có thể nói, Tập đoàn TH và các sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia của Tập đoàn TH tự tin trong hành trình tiến vào kỷ nguyên xanh cùng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đồng thời chung tay cùng Chính phủ đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050,” ông Ngô Minh Hải khẳng định.

 Hiện các sản phẩm từ sữa tươi sạch của TH cũng đã có mặt tại các thị trường lớn và khó tính nhưng nhiều tiềm năng khác như Mỹ, Nhật và khu vực ASEAN. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hiện các sản phẩm từ sữa tươi sạch của TH cũng đã có mặt tại các thị trường lớn và khó tính nhưng nhiều tiềm năng khác như Mỹ, Nhật và khu vực ASEAN. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) là một trong 190 doanh nghiệp xuất sắc được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024, hệ thống VNSTEEL tỏa sáng với 3 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2024 gồm: “Thép cuộn VNSTEEL; Thép thanh vằn THÉP MIỀN NAM /V/” và Thép thanh vằn Việt Úc.”

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cho hay việc đạt được danh hiệu Thương hiệu Quốc gia là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng của VNSTEEL trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới chiến lược kinh doanh và xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu theo đuổi các giá trị bền vững mà Quốc gia hướng tới “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh.”

Đại diện của VNSTEEL khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm và cam kết theo đuổi các giá trị của chương trình Thương hiệu Quốc gia, tiếp tục đầu tư vào đổi mới, sáng tạo, chất lượng sản phẩm, năng lực tiên phong để xứng đáng với chứng nhận thương hiệu quốc gia năm 2024.

Ông Phạm Công Thảo nhấn mạnh, đạt được Thương hiệu quốc gia 2024 chính là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực không ngừng của VNSTEEL trong việc xây dựng một thương hiệu thép quốc gia mạnh mẽ và bền vững, đồng thời, đó còn là một bảo chứng về chất lượng, giúp tăng cường niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm của VNSTEEL, góp phần nâng cao uy tín của ngành thép Việt Nam trên trường quốc tế.

“Trong thời gian tới VNSTEEL sẽ tiếp tục tập trung vào đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, phát huy năng lực tiên phong và sẽ không ngừng phát triển để kiến tạo các giá trị tốt hơn cho khách hàng, cho xã hội và cộng đồng. Tích cực bảo vệ và cải thiện môi trường thông qua sản xuất xanh, sản phẩm xanh, cung cấp ra thị trường đa dạng các sản phẩm thép ưu việt, đáng tin cậy và bền vững cùng thời gian,” ông Phạm Công Thảo nói.

Còn theo ông Nguyễn Đức Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nutricare, Việt Nam đã có rất nhiều cơ hội tốt về mối quan hệ quốc tế và cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đặc biệt là mối quan tâm chung là đảm bảo môi trường.

Nhấn mạnh chương trình thương hiệu quốc gia thực sự đã rất đổi mới, đưa yếu tố xanh vào… chất lượng tiên phong, đại diện Nutricare cho hay, Chính phủ đang có những thay đổi rất nhanh chóng, kịp thời đại mà chương trình thương hiệu quốc gia tiên phong trong vấn đề này.

“Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục xứng đáng niềm tin của chương trình cũng như của người tiêu dùng, tiếp tục ngoài việc tăng trưởng doanh thu, thương hiệu, chúng tôi tiếp tục cam kết những gì mà chương trình chúng ta đang đi. Chúng tôi cũng đang có những thay đổi nhiều để đảm bảo phát triển bền vững và xanh như chương trình đề ra…,” ông Nguyễn Đức Minh cho hay.

Sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu Việt

Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Việc tham gia Chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của Chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của Chương trình, đó là “Chất lượng-Đổi mới, Sáng tạo-Năng lực tiên phong.”

Hơn nữa, việc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp gắn chặt với công cuộc chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của quốc gia. Tiếp bước Diễn đàn Thương hiệu quốc gia 2023 “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh,” Lễ công bố sản phẩm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024 nhấn mạnh chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh.”

Chuyên gia thương hiệu, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quốc Thịnh, Giảng viên cao cấp Đại học Thương mại Hà Nội cho biết những giá trị cốt lõi này hình thành nên 7 “trụ cột” và 7 “trụ cột này” gọi là “ngôi nhà thương hiệu.”

Đầu tiên là chất lượng, tiếp đến là đổi mới sáng tạo; năng lực tiên phong; chiến lược nhân sự; bảo vệ thương hiệu; kết quả kinh doanh và trụ cột thứ 7 đó là tính ổn định.

“Việc xét chọn các sản phẩm thương hiệu quốc gia không chỉ xét tại thời điểm đánh giá, không chỉ là kết quả trong quá khứ mà điều rất quan trọng là chúng ta đánh giá cả những dự báo trong tương lai, tức là tính bền vững trong tương lai. Bởi khi xét chọn 2024, doanh nghiệp có quyền giữ biểu trưng đến 2026 và chúng ta vẫn luôn luôn mong muốn tiếp tục lâu hơn nữa…,” chuyên gia Nguyễn Quốc Thịnh nói.

Bộ Công Thương cho biết tại kỳ xét chọn lần thứ 9 năm 2024 ghi dấu ấn với sự tham gia lần đầu của những thương hiệu lớn, có uy tín không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Sự góp mặt của các thương hiệu lớn trong nước không chỉ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu Việt mà còn cho thấy nhận thức ngày càng cao của doanh nghiệp về tầm quan trọng của thương hiệu trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Điều này đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên thị trường.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết sau quá trình thẩm định, làm việc nghiêm túc, Ban Thư ký Chương trình đã tham mưu cho Hội đồng Thương hiệu Quốc gia công nhận sản phẩm ôtô, xe máy điện của Vin là sản phẩm thương hiệu quốc gia. “Chúng tôi muốn lan tỏa những giá trị về xanh, giá trị chuyển đổi xanh,” ông Vũ Bá Phú nói.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ và tạo dựng uy tín vững chắc với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Chương trình không chỉ tôn vinh những thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam, mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, với năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

Theo Ban tổ chức, năm 2024 có 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024 và tiếp tục gia tăng so với kỳ xét chọn lần thứ 8 năm 2022 (là 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm), trong đó có 17 doanh nghiệp có sản phẩm được xét chọn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 9 kỳ liên tiếp.

Đặc biệt, trong số các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm nay xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo; chế biến thực phẩm; thương mại và dịch vụ...

Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam vào 20 giờ hôm nay (4/11)./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-dat-thuong-hieu-quoc-gia-lan-toa-tinh-ben-vung-trong-tuong-lai-post989211.vnp
Zalo