Nỗ lực quốc tế hóa chương trình đào tạo

Các trường đại học đang nỗ lực đẩy mạnh công tác kiểm định để chuẩn hóa chương trình đào tạo. Qua đó nhằm đạt mục tiêu: Đến năm 2030, 80% chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định thứ nhất hoặc thứ 2 (mỗi chu kỳ 5 năm), theo Quyết định số 78/QĐ-TTgCP ngày 14-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Hướng đến chuẩn quốc tế

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, chất lượng giáo dục là ưu tiên hàng đầu của ĐHQG TPHCM, công tác đảm bảo chất lượng được duy trì và cải tiến liên tục. Nhờ đó, số lượng chương trình đạt chuẩn quốc tế có xu hướng gia tăng nhanh. Chỉ trong gần 4 năm (từ năm 2020 đến tháng 10-2024), có 85 chương trình đạt chuẩn kiểm định, vượt giai đoạn 10 năm trước đó cộng lại với 68 chương trình.

Tính đến nay, ĐHQG TPHCM đã dẫn đầu cả nước với 154 chương trình đào tạo được công nhận bởi nhiều tổ chức kiểm định quốc tế, như Tổ chức kiểm định của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA), Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ của Mỹ (ABET), Hiệp hội Kiểm định chất lượng đại học châu Âu (ASIIN), Tổ chức đảm bảo chất lượng của Chính phủ Thụy Sĩ (FIBAA), Tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hội đồng kiểm định CHLB Đức (AQAS), Tổ chức kiểm định của Ủy ban văn bằng kỹ sư Pháp (CTI)...

 Các chuyên gia của AUN-QA thực hiện kiểm định tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM

Các chuyên gia của AUN-QA thực hiện kiểm định tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM

TS Quách Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết, hiện nay trường có 27/44 chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế được công nhận bởi các tổ chức như AUN-QA, ASIIN. Nhà trường hướng đến kiểm định các chương trình công nghệ, kỹ thuật theo các chuẩn của châu Âu. Mục tiêu của trường là nỗ lực đến năm 2025 có 100% chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế.

Trong khi đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện có 44/45 chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế của các tổ chức như AUN, FIBAA, ASIIN. Trường cũng đạt chuẩn kiểm định cấp cơ sở đào tạo của Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) và FIBAA.

Lợi ích kép

TS Quách Thanh Hải cho rằng, việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo khá tốn kém, nhưng không thể không làm. Vấn đề chất lượng giáo dục phải luôn được chú trọng và cải tiến liên tục. Mặc dù tốn nhiều thời gian, công sức và tài chính, nhưng những lợi ích khi các chương trình đạt chuẩn chất lượng quốc tế là rất rõ. Đó là, giá trị thương hiệu của chương trình đào tạo được thế giới công nhận, sản phẩm đầu ra được đơn vị sử dụng ưu tiên tuyển dụng, năng suất và hiệu quả của nguồn nhân lực được nâng cao.

Nhìn nhận về giá trị của các tổ chức kiểm định khu vực và quốc tế, PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, chia sẻ, việc được công nhận bởi AUN-QA, ABET cho thấy chương trình đào tạo của trường đáp ứng các tiêu chí về nội dung, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, cơ sở vật chất và cả chất lượng đầu ra. Người học có thể yên tâm rằng chương trình đào tạo được xây dựng bài bản, gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp sau này.

Việc được đào tạo trong môi trường đạt chuẩn quốc tế còn giúp sinh viên phát triển các kỹ năng quan trọng như tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng làm việc nhóm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Bên cạnh đó, bằng cấp được công nhận theo các chuẩn quốc tế cũng giúp sinh viên có lợi thế lớn khi tìm kiếm cơ hội việc làm trong nước và nước ngoài, hoặc khi muốn học lên các bậc học cao hơn.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, ĐHQG TPHCM đang theo đuổi các giá trị hướng đến sự xuất sắc. Để đáp ứng yêu cầu đó, việc duy trì và cam kết thực hiện các chính sách về chất lượng đào tạo chính là nền tảng cần thiết giúp ĐHQG TPHCM hội nhập và phát triển bền vững. Chất lượng không thể nói suông mà phải được minh chứng cụ thể thông qua kiểm định quốc tế và được thế giới công nhận.

Với chính sách chất lượng là ưu tiên hàng đầu, năm 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục ghi nhận sự gia tăng thứ bậc trong các bảng xếp hạng thế giới: tăng 36 bậc trên Bảng xếp hạng đại học châu Á (QS Asia) năm 2025; tăng một bậc trên bảng xếp hạng đại học thế giới (QS World) năm 2025; có thêm 5 ngành, lĩnh vực được xếp hạng trên bảng xếp hạng của thế giới, một số ngành học được xếp hạng tốp 100, 150 của thế giới. Trong đó, các tiêu chí liên quan đến sự hài lòng của các bên liên quan như “Danh tiếng với đồng cấp học thuật” và “Danh tiếng với nhà tuyển dụng” là các tiêu chí ĐHQG TPHCM luôn dẫn đầu.

Theo thống kê của Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT), đến nay cả nước có 1.263 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (đại học, sau đại học) được kiểm định và cấp chứng nhận kiểm định chất lượng.

Trong đó, có 864 chương trình đào tạo được các tổ chức trong nước kiểm định và 399 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài. Về cấp cơ sở, có 183 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng, trong đó có 9 cơ sở được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/no-luc-quoc-te-hoa-chuong-trinh-dao-tao-post776473.html
Zalo