Nỗ lực mở rộng hệ thống nước sạch nông thôn

Thanh Hóa phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có 98,5% tỷ lệ dân số nông thôn, miền núi được dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có 65% dân số nông thôn, miền núi sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đưa nước sạch đến với người dân. Qua đó, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe người dân.

Dự án Nhà máy nước sạch Nam Nga Sơn cung cấp nước sạch cho người dân 7 xã phía Nam của huyện Nga Sơn.

Dự án Nhà máy nước sạch Nam Nga Sơn cung cấp nước sạch cho người dân 7 xã phía Nam của huyện Nga Sơn.

Trước đây, tình trạng thiếu nước sạch thường xuyên diễn ra ở nhiều xã của huyện Nga Sơn, khiến đời sống của bà con nơi đây gặp không ít khó khăn. Để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, nhiều hộ dân đã phải tự khoan giếng hoặc tích trữ nước mưa... Nhưng kể từ khi Công ty CP Xây dựng và Tự động hóa Đức Anh đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy nước sạch Nam Nga Sơn tại xã Nga Thắng, đã có rất nhiều hộ được đấu nối, cung cấp nước sạch sử dụng trong sinh hoạt gia đình cũng như sản xuất. Được biết, dự án công suất thiết kế 9.800m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Nhà máy được thiết kế cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân 7 xã phía Nam của huyện Nga Sơn, gồm: Nga Thạch, Nga Phượng, Nga Trung, Nga Thủy, Nga Thắng, Nga Bạch và 2 xã Liên Lộc và Quang Lộc (Hậu Lộc). Nhà máy nước sinh hoạt tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực giúp các hộ dân tiết kiệm chi phí mua nước, giảm bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân.

Ông Mai Văn Hải, người dân xã Nga Thạch, cho biết: “Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của gia đình từ giếng khoan bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, không bảo đảm cho sinh hoạt. Gia đình tôi phải mua nước đóng bình để nấu ăn, uống, còn nước từ cây nước bơm lên chỉ dùng để tắm, giặt, tưới hoa màu... Từ khi có hệ thống nước sạch tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều cho sức khỏe của cả gia đình”.

Với mục tiêu cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh cho người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, để cung cấp nước sạch. Trong đó, đã huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương, các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn kết hợp với nguồn xã hội hóa để thực hiện các chính sách, đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung về tận khu dân cư, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng nước hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, hỗ trợ hộ nghèo, gia đình còn khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch và nước hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn. Hiện toàn tỉnh có hơn 650 công trình cấp nước được đầu tư xây dựng. Các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn cơ bản đều hoạt động hiệu quả, bền vững. Các đơn vị đã cung cấp nước hợp vệ sinh cho 145 xã vùng nông thôn, miền núi; toàn tỉnh cũng đã có 97,5% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 98,5% tỷ lệ dân số nông thôn, miền núi được dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có 65% dân số nông thôn, miền núi sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh sẽ chú trọng thực hiện các giải pháp như: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan liên quan về quản lý các công trình cấp nước tập trung. Đồng thời, khuyến khích, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn phù hợp với tập quán, điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình cung cấp nước sạch bảo đảm hiệu quả, bền vững.

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/no-luc-mo-rong-he-thong-nuoc-sach-nong-thon-239530.htm
Zalo