Nỗ lực lan tỏa di sản tư liệu Việt Nam
Việc những bản đúc nổi trên cửu đỉnh ở Hoàng cung Huế vừa được công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 10
Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết ngày 8-5, tại kỳ họp thứ 10 Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO diễn ra ở TP Ulan Bator - Mông Cổ, "Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" đã được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Độc đáo, quý hiếm
Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu cho biết những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế (cửu đỉnh) là dương bản duy nhất. Cửu đỉnh hiện đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Đại nội Huế. Đây là minh chứng rõ rệt về niềm tự tôn của dân tộc ta "đất này có vua, nước này có chủ". Cửu đỉnh có 162 hình ảnh và chữ Hán, được vua Minh Mạng cho đúc năm 1835 và hoàn thành năm 1837.
Đây là nguồn tư liệu độc đáo và quý hiếm, được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi mang giá trị về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp. Các di sản tư liệu được thể hiện dưới dạng hình ảnh và chữ Hán này vẫn còn nguyên vẹn. Ngay cả vị trí đặt 9 chiếc đỉnh cũng chưa từng bị dịch chuyển.
GS-TS - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, cho rằng con số 9 và việc đúc cửu đỉnh còn bao hàm ý nghĩa về tính thống nhất và thể hiện ý chí trường tồn của triều đại.
Đối với cửu đỉnh và những di sản tư liệu đã được thế giới công nhận nói chung, PGS-TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái đề xuất các hội chuyên ngành và các nhà sử học cần đưa vào giảng dạy tại các trường học, quảng bá đến thế hệ trẻ nét độc đáo của di sản cũng như ý nghĩa về niềm tự hào dân tộc.
Phát huy giá trị
Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ cho rằng giới nghiên cứu cần sớm tìm hiểu cách chế tác những di sản tư liệu này. "Nếu không làm từ bây giờ, các nghệ nhân chuyên thực hiện dụng cụ chế tác hay những nhà nghiên cứu chuyên sâu về các lãnh vực này ngày càng tuổi cao sức yếu thì giá trị của di sản tư liệu sẽ chậm được biết đến" - ông trăn trở.
Theo giới nghiên cứu, việc cửu đỉnh ở Hoàng cung Huế vừa được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương là cơ sở để Quốc hội mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa. Theo đó, cần bổ sung loại hình mới là di sản tư liệu, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di sản này. Luật Di sản văn hóa dự kiến được Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8.
"Đây cũng chính là một trong những hoạt động thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Việt Nam - thành viên tích cực của UNESCO - trong việc nỗ lực luật hóa các điều ước quốc tế, các chương trình về di sản văn hóa. Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ cấp bách là làm sao để làng nghề dân gian vẫn giữ được những kỹ thuật chế tác độc đáo, lưu lại cho đời sau giá trị in ấn, điêu khắc, chạm trổ tinh tế" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhấn mạnh.
"Giá trị của di sản tư liệu đã khẳng định vị thế của ngành di sản nước nhà trong công tác bảo tồn. Cần sớm quảng bá các di sản này thông qua việc in sách, chụp ảnh 3D, lập những trang web, kênh YouTube... để giới thiệu đến đông đảo người dân, nhất là giới trẻ; góp phần quảng bá du lịch văn hóa khi du khách đến Việt Nam" - NSND Trần Minh Ngọc nêu ý kiến...
Kỳ họp thứ 10 Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức qua hình thức trực tuyến và trực tiếp, với 131 đại biểu đến từ 23/46 quốc gia thành viên tham dự. Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp này bao gồm đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Việt Nam hiện có các Di sản tư liệu quý giá mang tầm thế giới, như: Mộc bản triều Nguyễn (Di sản Tư liệu Thế giới đầu tiên của Việt Nam, được UNESCO công nhận năm 2009); Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới năm 2011); Châu bản triều Nguyễn - các tài liệu hành chính của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới năm 2017)...